TÓM TẮT
Quy luật giá trị là gì?
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản nhất của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Chừng nào còn sản xuất và trao đổi hàng hóa thì chừng đó còn quy luật giá trị.
Mọi hoạt động của chủ thể kinh tế trong sản xuất và lưu thông hàng hóa đều chịu sự tác động của quy luật giá trị. Quy luật giá trị là nguyên nhân chính dẫn đến khủng khoảng kinh tế phân kỳ, phân hóa giàu nghèo và những cuộc cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, quy luật giá trị buộc sản xuất, trao đổi hàng hóa phải căn cứ vào giá trị của nó, có nghĩa là hao phí lao động cần thiết. Trong hoạt động tạo ra hàng hóa, người thực hiện công việc này cần có sự hao phí sức lao động của cá nhân nhỏ hơn, bằng hao phí sức làm việc xã hội cần thiết thì mới có lợi thế nhiều hơn trong cạnh tranh.
Nội dung quy luật giá trị là gì?
Quy luật giá trị yêu cầu việc sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Nội dung này được hiểu trên 2 phạm vi: sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Cùng giasuglory.edu.vn phân tích nội dung quy luật giá trị sau đây:
Phạm vi sản xuất
Trong sản xuất hàng hóa, chúng ta thấy rằng mỗi người sản xuất sẽ tự quyết định hao phí lao động cá biệt riêng của mình, nhưng muốn bán được hàng hóa, bù đắp được chi phí và có lãi, thì lại phải căn cứ vào hao phí lao động xã hội.
Người sản xuất phải điều chỉnh làm cho hao phí lao động cá biệt phải phù hợp với hao phí lao động xã hội của hàng hóa đó. Muốn vậy, họ phải luôn tìm cách hạ thấp giá trị cá biệt ngang bằng hoặc nhỏ hơn lượng giá trị xã hội.
Phạm vi trao đổi hàng hóa
Trong trao đổi hay lưu thông hàng hóa thì nội dung quy luật giá trị yêu cầu phải tiến hành theo nguyên tắc ngang giá. Tức là hai hàng hóa trao đổi với nhau phải cùng kết tinh một lượng lao động xã hội như nhau.
Giá cả hàng hóa là biểu hiện bề ngoài của giá trị, hay giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị. Giá trị càng lớn thì giá cả càng cao. Tuy nhiên, giá cả không nhất thiết phải bằng giá trị hàng hóa. Mà giá cả hàng hóa còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, cạnh tranh, sức mua của đồng tiền nữa… Giá cả chỉ bằng giá trị khi thị trường cân bằng (cung = cầu).
Vai trò của quy luật giá trị kinh tế chính trị
Quy luật giá trị có có 3 vai trò đó là:
- Quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa.
- Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.
- Phân hóa những người sản xuất thành người giàu và người nghèo.
Quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa
Điều tiết sản xuất
- Khi giá cả thị trường biến động, người sản xuất biết được tình hình cung – cầu của từng loại hàng hóa, biết được hàng hóa nào đang có lợi nhuận cao, hàng hóa nào đang thua lỗ.
- Nếu cung = cầu, hàng hóa có giá cả bằng với giá trị thì sản xuất của họ được tiếp tục vì phù hợp với yêu cầu của xã hội.
- Nếu cung < cầu, ở tình trạng khan hiếm hàng háo, giá cả cao hơn giá trị, lúc đó, người sản xuất có nhiều lợi nhuận nên mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng thêm hàng hóa ra thị trường.
- Nếu cung > cầu , ở tình trạng dư thừa hàng hóa, hàng hóa tồn ứ buộc giảm giá, giá cả thấp hơn giá trị. Người sản xuất sẽ ít lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận vì vậy họ phải thu hẹp sản xuất, hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, quy mô ngành này thu hẹp.
Điều tiết lưu thông
Khi giá cả thị trường biến động, quy luật giá trị tác động đưa hàng hóa từ nơi có giá cả thấp sang nơi có giá cả cao, từ nơi cung lớn hơn cầu, đến nơi cung nhỏ hơn cầu. Quy luật giúp cho phân phối nguồn hàng một cách hợp lý, giữa các vùng, các khu vực với nhau.
Với mục đích là lợi nhuận, người tham gia lưu thông hàng hóa luôn vận chuyển hàng hóa từ nơi có giá cả thấp (cung > cầu) đến nơi có giá cả cao (cầu > cung). Như vậy quy luật giá trị góp phần làm cho cung cầu hàng hóa giữa các vùng cân bằng, phân phối lại hàng hóa và thu nhập giữa các vùng miền, điều chỉnh sức mua của thị trường.
Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động
Trong điều kiện sản xuất khác nhau, mỗi người sản xuất hàng hóa có hao phí lao động cá biệt riêng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, hàng hóa được trao đổi căn cứ theo hao phí lao động xã hội. Người sản xuất có hao phí lao động cá biệt lớn hơn hao phí lao động xã hội sẽ gặp bất lợi hoặc thua lỗ, ngược lại, người sản xuất có hao phí lao động cá biệt nhỏ hơn hao phí lao động xã hội sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Vì thế, với mục đích là lợi nhuận và để đứng vững trong cạnh tranh, người sản xuất, kinh doanh phải tìm cách hạ thấp hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội, thông qua các biện pháp làm tăng năng suất lao động như cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao tay nghề, thực hành tiết kiệm,…
Phân hóa những người sản xuất thành người giàu và người nghèo
Trong quá trình sản xuất và trao đổi, những người sản xuất có hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng sẽ thu được nhiều lãi và giàu lên, và có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Ngược lại, đối với những người sản xuất hao phí lao động cá biệt cao hơn hao phí lao động xã hội thì không bán được hàng hóa, thua lỗ và phá sản, phải đi làm thuê.
Ngoài ra, trong kinh tế thị trường thuần túy, do chạy theo lợi ích cá nhân, đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, khủng hoảng kinh tế … là những nhân tố tác động làm tăng sự phân hóa cùng những tiêu cực về kinh tế xã hội khác. Bởi vậy, trong nền kinh tế thị trường, sự điều tiết của nhà nước có thể hạn chế sự phân hóa này.