TÓM TẮT
Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ đâu?
Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội.
Giải thích như sau:
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhầ nước đặt ra, trong đó có thể ban hành hoặc thừa nhận, mang tính bắt buộc phải thực hiện, đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp giáo dục, cưỡng chế. Mục đích là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích của giai cấp mình.
Pháp luật vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính xã hội. Bản chất xã hội của pháp luật thể hiện ở chỗ: Bắt nguồn từ xã hội, do các thành viên của xã hội thực hiện vì sự phát triển của xã hội.
Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh các nhu cầu, lợi ích của giai cấp, tầng lớp trong xã hội, được các cá nhân, cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận, xem là chuẩn mực và là quy tắc xử sự chung.
Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội vì sự phát triển của xã hội. Các hành vi xử sự của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư phù hợp với quy định pháp luật giúp xã hội phát triển trật tự, ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người đều được tôn trọng.
Khái niệm quy phạm pháp luật là gì?
Quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của pháp luật thành một quy tắc xử sự nhất định mà trong đó, chủ thể cần phải tuân theo trong từng trường hợp cụ thể do nhà nước quy định, đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của nhà nước.
Quy phạm pháp luật là thành tố nhỏ nhất của hệ thống pháp luật. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, chuẩn mực cho mọi người tuân theo, tiêu chuẩn đánh giá hành vi của con người. Thông qua quy phạm pháp luật ta biết được hoạt động nào là phù hợp với pháp luật và hoạt động nào trái với pháp luật.
Quy phạm pháp luật là quy phạm xã hội, là những quy tắc xử sự chung bắt buộc mọi người thực hiện, do nhà nước xác lập, ban hành, đảm bảo thực hiện. Mục đích là điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức theo ý chí của nhà nước.
Các bộ phận cấu thành quy phạm pháp luật?
Mỗi một quy phạm pháp luật sẽ có ba bộ phận cấu thành, gồm có: giả định, quy định, chế tài. Cùng giasuglory.edu.vn tìm hiểu cụ thể từng bộ phận cấu thành ngay sau đây:
Bộ phận giả định
Giả định là phần xác định các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hay những hoàn cảnh, điều kiện chủ thể gặp ở trong thực tiễn.
Bộ phận quy định
Quy định là phần xác định chủ thể phải làm gì khi gặp các điều kiện, hoàn cảnh đã nêu ở trong giả định (được một quyền, phải làm một nghĩa vụ, tránh các xử sự bị cấm).
Bộ phận chế tài
Chế tài là phần nêu rõ biện pháp, hình thức nhà nước xử lý người đã xử sự không đúng với quy định hay chính là hậu quả mà người đó phải gánh chịu.
Tuy nhiên thì phần lớn trong thực tiễn xây dựng pháp luật, các quy phạm pháp luật được xây dựng từ 2 bộ phận chính đó là giả định với quy định hoặc giả định với chế tài. Trừ một vài quy phạm pháp luật đặc biệt như xác định nguyên tắc, định nghĩa thì hầu hết mọi quy phạm pháp luật đều có phần giả định.
Bởi nếu như không có bộ phận giả định thì không thể xác định được quy phạm pháp luật đó áp dụng cho ai, cho trường hợp nào, điều kiện là gì. Các quy định pháp luật hiến pháp thường chỉ có phần giả định và quy định. Còn các quy định pháp luật phần riêng của Bộ luật hình sự thường chỉ có giả định và chế tài.