Là Hội trưởng Hội Phụ huynh của lớp, trước hết bạn phải có kỹ năng quản trị thời gian như một “ông chủ”. Vì những việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, trao đổi thông tin, giải thích qua lại, tham gia các cuộc họp theo triệu tập của nhà trường… nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng ngốn không hề ít thời gian. Trong khi, bạn còn hàng núi việc công, việc tư.
Là Hội trưởng Hội Phụ huynh, bạn không thể thiếu kỹ năng tổ chức sự kiện, vì sẽ đảm nhiệm chính vai trò cùng giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho lớp. Tất nhiên dịch vụ bây giờ có nhiều, thuê cũng được, nhưng tốn kém và không ý nghĩa bằng tự làm.
Là Hội trưởng Hội Phụ huynh, bạn cần có kỹ năng phân tích xử lý thông tin như một nhà báo. Vì phụ huynh năm người mười ý, đôi khi các ý kiến “đá” nhau chan chát, và không ngoại trừ có cả những ý kiến “cài cắm” của “tay trong”.
Nếu không tỉnh táo nhận diện, mạch lạc phân nhóm và sàng lọc, bạn sẽ bị lạc lối giữa một “rừng” quan điểm.
Là Hội trưởng, bạn đương nhiên cần kỹ năng dân vận, sẵn sàng cho tình huống “mắc kẹt” giữa các bên. Nhà trường có lý của nhà trường, giáo viên có cái khó của giáo viên, trong khi phụ huynh thì vô vàn mong muốn. Quan điểm của đại diện phụ huynh các lớp cũng lại rất khác nhau.
Tìm ra một phương án hài hòa không hề đơn giản. Nếu đi “ngược chiều” với số đông, bạn lo ngại làm ảnh hưởng đến giáo viên chủ nhiệm. Mà nếu cứ răm rắp nghe theo thì không “tròn vai” với lớp, lại mang tiếng là “cánh tay nối dài” cho sự lạm thu.
Chưa kể, là Hội trưởng, bạn cũng phải tập làm “luật sư”, có hiểu biết pháp luật tương đối vững vàng trong khá nhiều lĩnh vực thì mới có thể trao đổi một cách thuyết phục với phụ huynh.
Ngoài ra, bạn cũng không thể thiếu kỹ năng của một kế toán viên để lập dự toán thu chi đầu năm, điều chỉnh dự toán khi cần, thống kê, giám sát và công khai tất cả các khoản chi sao cho minh bạch.
Với ngần ấy đòi hỏi chỉ tiêu “đầu vào” cho một công việc không lương, thì các phụ huynh đương nhiên đều “né” chức Hội trưởng. Nhưng dù sao thì Hội đại diện cha mẹ học sinh – nếu hoạt động đúng chức năng – vẫn được cho là tổ chức cần thiết để nâng cao hiệu quả giáo dục, chăm sóc con trẻ, và vẫn có phụ huynh chịu khó đảm đương.
Nếu trọng trách được trao cho bạn, hãy cố gắng thử sức, trước hết là vì những điều tốt nhất cho con em mình, cho môi trường giáo dục nói chung. Và nếu có thể, hãy cứ coi như đó là một dịp để rèn luyện các kỹ năng “đa ngành”./.