TÓM TẮT
Nguồn gốc của Nhà nước
Nhà nước là một hiện tượng đa dạng và phức tạp, do vậy muốn hiểu rõ bản chất của nhà nước và các quy luật phát triển của nó, trước hết cần phải hiểu những nguyên nhân và giải thích quá trình hình thành của nhà nước.
Từ thời kỳ trung cổ, trung đại nhiều nhà tư tưởng đã đưa ra những lý giải về nguồn gốc nhà nước và luôn luôn là vấn đề nổi bật trong cuộc tranh luận tư tưởng trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân chia thành những quan điểm, học thuyết về nguồn gốc nhà nước thành hai loại như sau: Học thuyết phi Mác xít và học thuyết Mác – Lênin về nguồn gốc nhà nước.
Phần 1. Một số học thuyết phi Mác xít về nguồn gốc nhà nước
Một, thuyết thần học
Đây là học thuyết cổ điển nhất giải thích về sự ra đời của nhà nước. Những nhà tư tưởng theo học thuyết này cho rằng: mọi sự vật và hiện tượng trên trái đất đều do Thượng đế sáng tạo và sắp đặt không ngoại trừ nhà nước. Như vậy, nhà nước là sản phẩm được tạo ra bởi lực lượng siêu nhiên, quyền lực nhà nước là vĩnh cửu, bất biến và sự phục tùng quyền lực ấy là tất yếu. Trong nhà nước, vua được mệnh danh là “thiên tử’ có nghĩa là con trời, “thay trời hành đạo”. Do đó, việc tuân theo quyền lực của nhà vua chính là tuân theo ý trời và không ai có thể chống lại được.
Hai, Thuyết gia trưởng
Những nhà tư tưởng theo Thuyết gia trưởng cho rằng nhà nước là kết quả từ sự phát triển của gia đình, nhà nước như là một “gia đình” lớn được hợp thành từ nhiều gia đình trong xã hội, là hình thức tổ chức tự nhiên của đời sống con người. Như thế, nhà nước tồn tại trong mọi xã hội. Về quyền lực, quyền lực trong gia đình thuộc về người đàn ông đứng đầu gọi là gia trưởng. Tương tự như vậy, ở quy mô nhà nước, quyền lực nhà nước thuộc về ông vua, người đứng đầu nhà nước. Quyền lực của nhà vua, về bản chất cũng giống như quyền lực của người gia trưởng đối với các thành viên trong gia đình.
Ba, Thuyết khế ước xã hội
Vào thế kỉ XIV đến thế kỉ XVIII, nhằm chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của nhà nước phong kiến, đa số các học giả tư sản đều cho rằng nhà nước là sản phẩm của một hợp đồng, được ký kết giữa những người sống trong trạng thái tự nhiên, chưa có nhà nước. Nhà nước không mang tính giai cấp mà phản ánh, bảo vệ lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội, chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân. Trong trường hợp nhà nước không bảo vệ được lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thì hợp đồng coi như bị vi phạm. Trong trường hợp này, nhân dân có quyền đứng lên làm một cuộc cách mạng để xóa bỏ hợp đồng, lật đổ nhà nước hiện tại để ký kết một hợp đồng mới làm cơ sở cho việc thiết lập một nhà nước mới.
Bốn, Thuyết bạo lực:
Thuyết bạo lực cho rằng nhà nước là sản phẩm của các cuộc chiến tranh. Trong quá trình lao động sinh sống, các thị tộc, bộ lạc xâm chiếm lẫn nhau để giành lấy đất đai, chiến lợi phẩm… Kết quả của mỗi cuộc chiến tranh là có kẻ thắng, người bại và thị tộc, bộ lạc thắng trận đã lập ra một bộ máy để cai trị, trấn áp thị tộc, bộ lạc bại trận. Bộ máy đó chính là nhà nước.
Năm, Thuyết tâm lý
Thuyết này cho rằng, trong thời kỳ công xã nguyên thủy, con người hầu như còn yếu về thể lực cũng như còn kém về trí tuệ. Do đó họ luôn có tâm lý sợ hãi trước tai họa của thiên nhiên như bão, lũ và thú dữ. Với nhu cầu rất lớn về mặt tâm lý để được bảo vệ, con người trong xã hội này đã ủng hộ, tôn sùng các thủ lĩnh, giáo sĩ những người được cho là có sứ mệnh lãnh đạo xã hội. Khi đó, cá nhân người đứng đầu cùng với bộ máy quản lý là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh có thể che chở và bảo vệ cho cả cộng đồng.
Mặc dù được hình thành trong những khoảng thời gian khác nhau, các học thuyết trên nhìn chung chưa lý giải một cách thuyết phục về sự ra đời của nhà nước, đặc biệt chưa phản ánh được bản chất giai cấp của nhà nước. Bằng quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, học thuyết Mác-Lênin đã giải thích một cách khoa học rằng nhà nước và pháp luật là sản phẩm có điều kiện của xã hội khi xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, đó là khi tư hữu xuất hiện và xã hội có sự phân hóa giai cấp.
Phần 2. Quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về nguồn gốc nhà nước
Theo học thuyết này, nhà nước là sản phẩm của những biến đổi trực tiếp ngay trong lòng xã hội công xã nguyên thủy (Cộng sản nguyên thủy). Công xã nguyên thủy là hình thái kinh tế xã hội đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người, một xã hội không biết đến giai cấp, đến nhà nước và pháp luật.
Xã hội công xã nguyên thủy.
Về kinh tế.
Xã hội công xã nguyên thủy có hai hoạt động kinh tế chủ yếu đó là săn bắt và hái lượm. Trong xã hội cũng có sự phân công lao động nhưng đó là phân công lao động tự nhiên theo giới tính và độ tuổi. Ví dụ nam giới phụ trách công việc săn bắt trong khi phụ nữ thì hái lượm, người già và trẻ nhỏ làm những công việc nhẹ khác. Vì công cụ lao động còn rất thô sơ nên hoạt động kinh tế của con người trong xã hội này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên, sản phẩm lao động mà xã hội có được từ thiếu cho đến đủ, không có dư thừa. Thêm vào đó, con người lúc bấy giờ vẫn còn kém và thể lực cũng như trí tuệ nên họ chưa có khả năng lao động độc lập. Tất cả những điều này quyết định chế độ kinh tế của xã hội công xã nguyên thủy là chế độ sở hữu chung (công hữu) về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động làm ra.
Về xã hội.
Tế bào của xã hội này là thị tộc, một tổ chức của những người có cùng huyết thống, cùng sinh sống trên một địa bàn lãnh thổ nhất định, cùng lao động và cùng hưởng thụ sản phẩm lao động làm ra. Thị tộc thời kỳ đầu được tổ chức theo chế độ mẫu hệ do ảnh hưởng của chế độ hôn nhân quần hôn và địa vị chủ đạo của người phụ nữ trong việc đem lại nhiều sản phẩm lao động hơn trong sinh hoạt hằng ngày của thị tộc. Qua quá trình phát triển kinh tế xã hội, quan hệ hôn nhân thay đổi cũng như việc con người giảm dần sự phụ thuộc của họ vào thiên nhiên nên nam giới, những người khỏe mạnh hơn lúc bấy giờ giữ vai trò chủ đạo trong đời sống thị tộc. Thị tộc chuyển sang chế độ phụ hệ.
Vùng lãnh thổ của các thị tộc được cách nhau bởi bìa rừng, con sông, con suối. Dù vậy, do nhu cầu của việc trao đổi sản phẩm, liên kết chống xâm lược cũng như chế độ hôn nhân ngoại tộc, nhiều thị tộc đã liên kết với nhau tạo thành bào tộc và nhiều bào tộc liên kết lại với nhau tạo thành bộ lạc.2 Về mặt xã hội, xã hội công xã nguyên thủy không có giai cấp do sự quyết định bởi chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động làm ra.
Về quyền lực xã hội.
Chức năng quản lý xã hội do thị tộc đảm nhiệm dựa trên cơ sở của quyền lực xã hội được tổ chức như sau:
Thị tộc có người đứng đầu gọi là Tộc trưởng hay Tù trưởng được bầu ra một cách dân chủ trong số những người có tuổi, có uy tín và kinh nghiệm sống. Công việc chính của tù trưởng là phân công lao động, phân phối sản phẩm lao động, tổ chức lễ nghi tôn giáo… Bên cạnh tù trưởng, thị tộc còn bầu ra thủ lĩnh quân sự để đảm nhiệm các công việc liên quan đến phòng thủ lãnh thổ hoặc chiến tranh xâm lược thị tộc khác. Thị tộc lập ra Hội đồng thị tộc, là cơ quan quyền lực cao nhất được hợp thành từ tất cả các thành viên trưởng thành để thảo luận tập thể và quyết đinh theo đa số những vấn đề chung của thị tộc như tuyên chiến, đình chiến, di cư, … Quyền lực của thị tộc được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm chỉnh tuy không phải bằng cưỡng chế nhà nước bởi quân đội, cảnh sát, nhà tù mà bằng uy tín của người đứng đầu thị tộc, bằng sức mạnh đàn áp của số đông đối với số ít, của dư luận xã hội.
Cách thức tổ chức quyền lực của bào tộc và bộ lạc cũng tương tự như ở thị tộc.
Bào tộc, bộ lạc cũng có hội đồng riêng của mình, tuy nhiên mức độ tập trung quyền lực của hội đồng bào tộc và bộ lạc cao hơn. Thành viên của hội đồng bào tộc và bộ lạc chỉ bao gồm các tù trưởng và thủ lĩnh quân sự của các thị tộc hoặc bào tộc. Tuy vậy, quyền lực vẫn mang tính xã hội, phục vụ cho lợi ích chung của toàn xã hội và chưa có tính giai cấp.
Đặc điểm của hình thức tổ chức xã hội thị tộc là:
Không có quyền lực tách riêng ra khỏi xã hội, quyền lực này gắn liền với lợi ích chung của cả cộng đồng.
Không có bộ máy cưỡng chế đặc biệt được tổ chức một cách có hệ thống.
Do vậy, quyền lực trong xã hội công xã nguyên thủy được gọi là “quyền lực xã hội”, phân biệt với “quyền lực nhà nước” ở các giai đoạn sau này.
Phần tiếp theo, Sự tan rã của chế độ thị tộc và nhà nước ra đời.
Ba lần phân công lao động chủ yếu trong xã hội công xã nguyên thủy dẫn đến sự ra đời của nhà nước là:
Một là, Lần phân công lao động thứ nhất: Chăn nuôi tách khỏi trồng trọt.
Như vậy, sau lần phân công lao động thứ nhất tư hữu đã xuất hiện, xã hội đã có kẻ giàu, người nghèo. Thêm vào đó, tư hữu đã làm thay đổi quan hệ hôn nhân từ quần hôn sang hôn nhân một vợ, một chồng và các gia đình riêng lẻ đã ra đời phá vỡ dần các yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của thị tộc. Mỗi gia đình có công cụ sản xuất, tư liệu lao động riêng và được truyền cho con cháu họ sau này để củng cố thêm chế độ tư hữu. Cũng sau lần phân công lao động này con người đã nhận thấy tầm quan trọng của giá trị sức lao động. Vì vậy, những tù binh chiến tranh không bị giết chết như trước nữa mà được giữ lại để sử dụng sức lao động của họ trong trồng trọt hoặc trông giữ các đàn gia súc. Đến đây, mâu thuẫn giai cấp đã xuất hiện.
Hai là, Lần phân công lao động thứ hai: Thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp.
Nhu cầu ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn đã làm xuất hiện một số ngành nghề thủ công nghiệp như dệt vải, làm đồ gốm, đồ trang sức, làm rượu vang hay dầu thực vật…4 Bên cạnh đó, nhu cầu khai khẩn đất hoang để mở rộng diện tích đất canh tác đã làm ra đời các xưởng đúc đồng, đúc sắt. Kết quả là, có những cá nhân, hộ gia đình chuyên làm các ngành nghề thủ công nghiệp mà không tham gia vào trồng trọt hay chăn nuôi.
Sau lần phân công lao động này, tầm quan trọng của sức lao động được đánh giá cao hơn. Do đó, các thị tộc và bộ lạc chủ động tạo ra các cuộc chiến tranh để thu ngày càng nhiều tù binh chiến tranh, để bóc lột họ cả ngày lẫn đêm, cả ngoài đồng (trồng trọt, gieo cấy, chăn giữ các đàn gia súc) và trong các xưởng thủ công nghiệp. Qua lần phân công lao động này, tù binh chiến tranh tăng về số lượng cũng như chất lượng, phân hóa giàu nghèo và mâu thuẫn giai cấp được nâng lên một bước căng thẳng mới.
Ba là, Lần phân công lao động thứ ba: Thương nghiệp ra đời.
Kết quả của lần phân công lao động thứ ba là đồng tiền xuất hiện, kéo theo các hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố thế chấp tài sản, chuyển nhượng đất đai. Tất cả các hoạt động này đã đẩy nhanh sự bần cùng hóa trong xã hội, tạo ra hai thái cực cơ bản của xã hội đó là người giàu và kẻ nghèo. Người giàu bao gồm các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự, những người đã chiếm đoạt tài sản dư thừa của thị tộc, con cháu của họ, những thương nhân, nông dân thành đạt… Trong khi đó, người nghèo bao gồm tù binh chiến tranh trở thành nô lệ, nông dân bị chiếm đoạt tài sản, thương nhân thua lỗ phá sản…
Đứng trước sự thay đổi này, một mặt để bảo vệ địa vị cũng như tài sản đang có, giai cấp giàu đã lập ra một tổ chức gọi là nhà nước để thống trị, đàn áp các giai cấp khác.
Mặt khác, qua ba lần phân công lao động những yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của thị tộc đã bị phá vỡ. Những người cùng huyết thống không còn sinh sống trên địa bàn nhất định mà họ đã di chuyển chỗ ở do sự chi phối của ngành nghề, hay thông qua các hoạt động khai khẩn đất hoang, chuyển nhượng đất đai. Hơn nữa, con người đã có khả năng lao động độc lập không còn làm chung ăn chung. Đứng trước sự tan rã của thị tộc, đòi hỏi phải có tổ chức khác thay thế thị tộc quản lý xã hội cũng như giảng hòa các mâu thuẫn giai cấp đang căng thẳng, tổ chức đó là nhà nước Nhà nước được sinh ra từ trong lòng xã hội, xuất hiện một cách khách quan, nó là sản phẩm của một xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định.
Thay cho lời kết; trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, Lê Nin nhấn mạnh: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được”.
(còn tiếp)
Bản chất của Nhà nước