TÓM TẮT
- 1 Hà Giang ở đâu?
- 2 Di chuyển tới Hà Giang như nào?
- 3 Đến Hà Giang nghỉ ở đâu?
- 4 Du lịch Hà Giang điểm nào đẹp?
- 4.1 Cột cờ Lũng Cú
- 4.2 Cao nguyên đá Đồng Văn
- 4.3 Thung Lũng Sủng Là – Lũng Cẩm
- 4.4 Đèo Mã Pí Lèng – Sông Nho Quế – Hẻm Tu Sản
- 4.5 Vách đá trắng Hà Giang
- 4.6 Dinh thự họ Vương
- 4.7 Núi đôi Quản Bạ
- 4.8 Cây cô đơn Hà Giang
- 4.9 Rừng thông Yên Minh
- 4.10 Hoàng Su Phì
- 4.11 Đền Đôi Cô Cầu Má
- 4.12 Cột mốc số 0 Hà Giang
- 4.13 Bãi đá cổ Xín Mần
- 5 Nên du lịch Hà Giang mùa nào?
- 6 Đặc sản Hà Giang có gì ngon?
- 7 Mua gì ở Hà Giang về làm quà?
- 8 Cần chú ý gì khi du lịch Hà Giang?
Hà Giang ở đâu?
Hà Giang nằm ở cực phía Bắc Việt Nam. Đường từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang dài khoảng 280km. Đi ô tô qua các cung đường cao tốc, quốc lộ chỉ mất khoảng 5 tiếng nên du khách có thể tự lái ô tô, đi xe khách đường dài, xe tour du lịch Hà Giang hoặc ‘phượt’ bằng xe máy.
Vị trí Hà Giang đi từ Hà Nội theo đường Quốc Lộ
Một điều chú ý thêm, nhiều người thường nghĩ cứ có núi đồi, có ruộng bậc thang thì là gọi là vùng Tây Bắc nhưng không phải đâu nhé! Hà Giang nằm ở phía Đông Bắc, cùng với Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang (Để biết vùng này có những tuyến du lịch nào phổ biến và chi tiết các cảnh điểm nổi tiếng mỗi tỉnh, bạn có thể tham khảo trong bài viết Du lịch Đông Bắc nhé). Còn phía Tây Bắc bao gồm một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên hay Mường Lay. Đây là điều nên biết nếu bạn muốn làm một chuyến du lịch xuyên các tỉnh nhé!
Video Clips Du lịch Hà Giang chính thức của Tổng cục Du lịch (Nguồn: Vietnam Tourism)
Di chuyển tới Hà Giang như nào?
Như đã nói ở trên, đi du lịch Hà Giang từ Hà Nội, bạn có thể tự lái hoặc tự thuê ô tô, đi xe khách, tự đi xe máy hoặc đi theo tour du lịch. Tùy theo sở thích và điều kiện cũng như số người đi mà mỗi cách đi có ưu/nhược điểm riêng.
Đường đèo Hà Giang
Xe khách
Từ Hà Nội, bạn có thể tới bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Gia Lâm tìm xe lên thành phố Hà Giang dễ dàng.
Một số nhà xe được nhiều người chọn có thể kể đến như Thịnh Mỹ, Hải Vân Express, Hưng Thành, Ngọc Cường, Trần Phú hay nhà xe Thanh Hiền ở bến Gia Lâm. Các hãng xe đều có cả xe giường nằm và ghế ngồi cho bạn lựa chọn. Phần này chúng mình sẽ chia sẻ kỹ hơn trong một bài kinh nghiệm riêng về chọn nhà xe du lịch Hà Giang nhé.
Sau khi tới Hà Giang, bạn có thể thuê xe máy hoặc đi tiếp xe khách đến Đồng Văn và các huyện khác. Tuyến đường đi xe khách phổ biến là Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì – Đoan Hùng – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang.
Xe khách Hà Nội – Hà Giang
Tự đi ô tô cá nhân/thuê ô tô tự lái
Với cách đi tự túc bằng ô tô từ Hà Nội lên Hà Giang, bạn có thể đi theo cung đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến thành phố Tuyên Quang thì rẽ phải đi Hà Giang. Cách này phù hợp hơn với những gia đình hoặc nhóm bạn muốn đi riêng, không sợ mưa gió như đi xe máy, ở lại Hà Giang bao lâu tùy thích, chủ động đi đâu cũng được nhưng phải biết đường, biết lái ô tô và nắm rõ luật giao thông trên các tuyến đường.
Xe máy
Nhược điểm: Tay lái yếu, không quen đường tuyệt đối không nên đi để đảm bảo an toàn.
Cung đường đi xe máy cũng tương tự xe khách. Tuy nhiên do địa hình vùng núi của Hà Giang khá khó di chuyển, nhiều đường đèo, nhất là quãng đường ở Đồng Văn, Mèo Vạc nên hãy chắc chắn mình hoặc người đi cùng là ‘tay lái lụa’ hẵng đi bạn nhé! Bạn có thể tham khảo bài viết Thuê xe máy Hà Giang để biết nên thuê xe ở đâu, giá cả như nào khi đến Hà Giang nhé!
Đi theo tour Hà Giang
Đây là phương án ‘cứu cánh’ cho khá nhiều người, kể cả đi lẻ hay đi nhóm đông người. Nếu đi lẻ vài người thì bạn có thể đi theo tour ghép hoặc đi đông người thì đề nghị công ty lữ hành thiết kế tour riêng. Công ty sẽ lo hết từ chỗ ăn, chỗ ngủ nghỉ, chơi ở đâu, đi như nào,… bạn chỉ cần đăng ký tour, xách balo lên và đi theo thôi.
Đến Hà Giang nghỉ ở đâu?
Nếu đi theo những tour Hà Giang thì bạn sẽ được công ty du lịch lo chỗ nghỉ ở khách sạn rồi. Còn nếu đi tự túc, bạn có thể tìm phòng ở agoda, booking.com. Tùy theo ngân sách hoặc cách đi du lịch mà bạn có thể chọn nơi lưu trú phù hợp nhưng hầu như đều nằm ở trung tâm Hà Giang, chỉ có rất ít chỗ trọ ở Đồng Văn, Yên Minh, Hoàng Su Phì… Bạn có thể chọn phòng ở trung tâm Hà Giang rồi trong ngày thì đi các huyện xung quanh. Dưới đây là một số khách sạn, homestay Hà Giang mà khách du lịch thường đề cử:
Homestay Hà Giang Wings Bungalow
- Địa chỉ: thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, TP. Hà Giang.
- Điện thoại liên hệ: 091.604.0991 – 034.532.9190.
- Facebook: Hà Giang Wings Bungalow
- Dịch vụ: Lưu trú, nhà hàng, thuê xe máy, đặt tour Hà Giang.
Điểm lưu trú này nằm ngay ở thành phố Hà Giang khiến việc đi lại giữa các điểm du lịch hay mua bán lặt vặt tiện hơn. Hà Giang Wings Bungalow (hay Cánh Tiên Quán) như một “cao nguyên đá thu nhỏ” khi trong khuôn viên homestay này “mọc” đầy những phiến đá tai mèo xám đen. Khung cảnh nơi này không chỉ phù hợp với khách du lịch muốn đến đây nghỉ dưỡng, check-in mà còn có thể chụp ảnh cưới siêu lung linh nữa đấy. Các phòng cũng khá rộng rãi, cho bạn trải nghiệm tốt nhất.
Một số dịch vụ khá độc đáo ở homestay Hà Giang này có thể kể đến như:
- Hồ bơi siêu to khổng lồ (miễn phí cho du khách ở lại đây nhe!)
- Thuê xe máy Hà Giang tự lái hoặc theo tour xe máy Hà Giang đi trong ngày.
- Nhà hàng Cánh Tiên Quán view đẹp với những món đặc sản Hà Giang ngon lành.
Ngoài ra còn một số dịch vụ khác mà bạn có thể tham khảo trong bài viết chi tiết về địa điểm này, chúng mình đã để link bên trên nhé!
Bống Bang Homestay
Địa điểm: Thôn Nà Mạ, thị trấn Yên Minh, Hà Giang
Bống Bang cũng là một trong những homestay xinh xắn nhất ở Hà Giang với cách bài trí và khoảng sân chung cực ấm cúng. Ở đây có phòng riêng giường đôi và phòng chung tập thể đều sạch sẽ, xinh xắn và trang bị đầy đủ tiện nghi.
Auberge de MeoVac
Đến Mèo Vạc, bạn hãy thử ở trong homestay đậm chất H’Mông này nhé! Đây là ngôi nhà của người H’Mông có tuổi đời đến 100 năm được phục dựng lại để phục vụ khách du lịch. Đừng lo về việc nhà quá cổ thì sẽ bất tiện nhé! Dù không gian vẫn mang đậm nét truyền thống nhưng nội thất trong homestay vẫn cực kỳ tiện nghi nhé!
Để xem chi tiết nhiều homestay ở Hà Giang hơn, bạn có thể ghé qua bài viết Top 10 Homestay Hà Giang đẹp – chất tham khảo thêm nhé!
Nếu là đi cùng gia đình, công ty hoặc nhiều người lớn tuổi, bạn có thể chọn ở khách sạn. Giá khoảng 150.000đ – 500.000đ là đã có thể tìm được phòng khá sạch sẽ, dịch vụ tốt rồi. Còn các bạn trẻ đi cùng nhau, thích ở chung thì có thể chọn ở homestay, hostel hay bungalow có những phòng chung, ở được khoảng 5 – 10 người 1 phòng. Giá khoảng 70.000đ – 200.000đ là vừa túi tiền học sinh, sinh viên và cũng rất sạch sẽ rồi.
Du lịch Hà Giang điểm nào đẹp?
Bản đồ cảnh điểm chính ở Hà Giang
Vùng đất Hà Giang được thiên nhiên ưu ái, ban cho núi non trùng điệp, sông nước xanh ngát, hoa cỏ bốn mùa, đẹp như tranh họa đồ.
Hà Giang cũng là nơi cư trú của 24 dân tộc anh em, tạo nên không gian văn hóa đa dạng, trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch Hà Giang ưa thích tìm hiểu văn hóa. Dù cuộc sống của người dân giản dị, mộc mạc, phong cảnh có nơi còn hoang sợ nhưng đó cũng chính là điểm cuốn hút du khách, khiến người người đi về đều quyến luyến, nhớ thương. Dưới đây là một số địa điểm ưa thích của nhiều du khách đi tour Hà Giang, bạn có thể tham khảo cho lịch trình của mình nhé.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ Quốc
Lũng Cú được ví như ‘điểm đặt bút vẽ bản đồ Việt Nam’ bằng Cột Cờ Lũng Cú.Công trình nàyđược mô phỏng theo cột cờ Hà Nội như minh chứng của niềm tự hào dân tộc, 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết.
Đây chính là điểm đến đầu tiên mà ai đi Hà Giang cũng muốn đến để cảm nhận ‘dòng chảy Tổ Quốc’ trong tim mình, được mặc chiếc áo đỏ sao vàng và chụp cùng lá cờ đỏ tung băng nơi địa đầu Tổ Quốc. Càng lên mỗi bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ, cảm xúc du khách sẽ càng như vỡ òa với cảnh núi non, ruộng đồng bát ngát chốn vùng cao này.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn được ví như ‘thiên đường màu xám’ giữa núi cao, hiểm trở, ở độ cao 1500m so với mực nước biển. Cao nguyên đá này trải dài trên khu vực hành chính của 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Chính bởi đặc điểm kiến tạo đặc biệt, nơi đây được công nhận là Công viên địa chất Đồng Văn.
Bản đồ cảnh điểm du lịch chính ở Cao nguyên đá Đồng Văn
Đi khắp dọc cao nguyên, du khách tour Hà Giang từ Hà Nội sẽ chỉ thấy màu xám xanh của những dãy núi tai mèo trải bạt ngàn. Núi chồng núi, tầng tầng lớp lớp như bảo vệ sự yên bình cho mảnh đất này.
Nhìn từ trên cao, cao nguyên đá Đồng Văn gai góc nhưng không kém phần thơ mộng. Mỗi ngôi nhà của bà con dân tộc ở đây đều được bao bằng hàng rào đá. Ruộng bậc thang xen đá, hoa cải nở vàng xen đá,…mọi thứ nơi đây đều mang dáng hình kiên cường, mạnh mẽ trước thiên nhiên đầy chông gai. Đặc biệt, những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài khắp cao nguyên đá, màu đen của đá càng làm nổi bật màu trắng hồng, màu tím của loài hoa hoang dại này.
Cao nguyên đá tai mèo Hà Giang
Đến Đồng Văn, khách du lịch còn có thể ghé thăm Phố cổ Đồng Văn, ngồi trong một quán cafe nhỏ thưởng thức cảnh Đông Bắc bình yên hay thử dành ra nửa ngày lang thang ở Phố Cáo, Phó Bảng giản dị. Chỉ vậy thôi đảm bảo cũng đủ để bạn “F5” lại tâm hồn sau những chuỗi ngày mệt mỏi.
Cafe ở phố cổ Đồng Văn
Thung Lũng Sủng Là – Lũng Cẩm
Thung lũng Sủng Là(Đồng Văn) – nơi có làng văn hóa Lũng Cẩm – trong những năm gần đây được biết tới nhiều hơn qua bộ phim ‘Chuyện của Pao’. Nơi đây luôn hiện lên với khung cảnh bình dị, lặng lẽ của người dân và vẻ đẹp ‘gai góc’ của những ngôi nhà đá Trình Tường. Dù chỉ là một bản làng nhỏ nhưng khách đi tour Hà Giang 3 ngày 2 đêm thường dành kha khá thời gian ở đây để check-in, ‘sống ảo’, cho ra những bức ảnh để đời bên những ngôi nhà đơn sơ này.
Thung lũng Sủng Là
Làng văn hóa Lũng Cẩm ở Sủng Là luôn là điểm tham quan được gợi ý cho du khách, với điểm đến là ‘nhà của Pao’ hay những cánh đồng hoa. Mỗi mùa hoa xuân, hoa tam giác mạch cuối thu, đây cũng là nơi có hoa đào hồng, hoa mận trắng, hoa cải vàng rực rỡ hay tam giác mạch tím tím hồng hồng làm say lòng du khách, quyến luyến họ ở lại.
‘Nhà của Pao’ – Lũng Cẩm Làng văn hóa Lũng Cẩm
Đèo Mã Pí Lèng – Sông Nho Quế – Hẻm Tu Sản
Con Đèo Mã Pí Lènguốn lượn, ngoằn ngoèo dài 20km này được mệnh danh là “vua đèo vùng cao”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Dù là con đường nguy hiểm bậc nhất nhưng nơi đây có ý nghĩa quan trọng, là một phần giao thông huyết mạch của “con đường Hạnh Phúc” nối liền Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Cung đường đèo Mã Pí Lèng
Đi theo tour Hà Giang giá rẻ đến đây, đứng trên trạm nghỉ chân giữa đèo bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác “bắt mây” lùa qua tay, ngắm những đồi hoa tam giác mạch lay lay trong gió, cảnh núi non hùng vĩ của đỉnh Mã Pí Lèng, con sông Nho Quế dịu êm cùng hẻm Tu Sản hùng vĩ.
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc rồi chảy xuống xã Lũng Cú, Hà Giang. Tới hẻm Tu Sản, Sông Nho Quế chảy tiếp qua núi Mã Pì Lèng, đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh, chảy sang Cao Bằng, tiếp tục hành trình hòa vào cùng sông Gâm ở ngã ba Nà Mát.
Điểm ngắm sông Nho Quế trên đèo Mã Pí Lèng Sông Nho Quế
Nhìn từ Mã Pì Lèng, sông Nho Quế như một “nàng tiên sông” khoác tấm áo lụa mỏng màu xanh ngọc bích, nhẹ nhàng ngao du nhân gian. Để biết chi tiết cách di chuyển xuống sông Nho Quế như nào, bạn tham khảo bài viết “Kinh nghiệm du lịch sông Nho Quế Hà Giang nên đi như nào?” nhé!
Hẻm Tu Sản là hẻm vực sâu nhất Việt Nam, có chiều cao vách đá gần 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km là kỳ quan độc nhất ở Đồng Văn. Từ hàng triệu năm trước, nơi đây còn chìm trong lòng đại dương. Rồi qua quá trình thay đổi, kiến tạo của Vỏ Trái Đất, nước rút xuống, bào mòn núi tạo ra di sản độc nhất vô nhị này.
Hẻm Tu Sản
Chỉ với 300.000đ, bạn có thể đi thuyền trên dòng Nho Quế qua đoạn hẻm vực này. Du khách tour du lịch Hà Giang sẽ được chứng kiến sự hùng vĩ, sừng sững giữa trời của Hẻm Tu Sản, cùng dòng sông xanh ngọc, những cây hoa gạo nở đỏ thẫm, đẹp như một bức tranh.
Vách đá trắng Hà Giang
Cũng từ con đèo Mã Pí Lèng, ngoài sông Nho Quế hay hẻm Tu Sản, bạn có thể ghé qua ngắm 1 kỳ quan khác là vách đá trắng. Tuy nhiên đường đến vách đá phải đi bộ khá xa nên thường chỉ có khách du lịch đi tự túc hoặc tour thiết kế riêng mới đến đây mà thôi. Vách đá này đặc biệt bởi hình dáng vát thẳng 1 đường như bị đường kiếm sắc ngọt chém qua. Đây cũng là vách núi thần mà người dân ở đây gọi là nơi “được nàng tiên che chở”. Nếu tò mò muốn biết nên đến đây như nào, bạn có thể tham khảo bài viết về Vách đá trắng Hà Giang nhé!
Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương còn được biết tới với cái tên dinh vua Mèo họ Vương, hay dinh vua Mèo, đều chỉ dinh thự quyền uy của vua Mèo Vương Đức Chính, được xây từ những năm 90 thế kỷ 19. Dinh nằm trong thung lũng thuộc xã Xà Phìn, Đồng Văn. Không chỉ có không gian kiến trúc cổ xưa độc đáo, đến đây, khách du lịch Hà Giang sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử hào hùng, những câu chuyện yêu nước của gia tộc này.
Núi đôi Quản Bạ
Đến Quản Bạ chắc chắn bạn sẽ thán phục trước sự sáng tạo của mẹ thiên nhiên khi tạo nên đôi núi tròn trịa, xinh đẹp này. Để ngắm trọn vẹn núi đôi Quản Bạ, bạn hãy ghé qua Cổng trời Quản Bạ nhé! Tuy nhiên lưu ý là địa danh này có 2 nơi. 1 là cổng trời Quản Bạ cũ – nơi đã từng có cánh cổng từ thế kỷ 20 nhưng nay không còn. Hơn nữa, đoạn đường lên đây cũng khá bé, khó nhìn nên khách du lịch thường bỏ qua. “Cổng trời” thứ 2 nằm đối diện vườn hoa trên đèo Quản Bạ, hay còn gọi là Trạm thông tin du khách huyện Quản Bạ. Địa điểm này rộng hơn, có chỗ đủ đỗ xe ô tô và xe máy. ngắm cảnh xong bạn còn có thể ra check-in ở ngay vườn hoa đối diện. Tùy theo mùa mà ở đây trồng hoa gì nhưng nổi nhất vẫn là mùa hoa tam giác mạch tháng 10 – 12.
Vườn hoa trên đèo Quản Bạ
Cây cô đơn Hà Giang
Sapa hay Đà Lạt đều có cây cô đơn nổi tiếng rồi, Hà Giang cũng không kém cạnh đâu nhé! Tuy nhiên cây cô đơn Hà Giang khá khó tìm với người đi ô tô hay khách đi tour vì cây nằm ngay trên đèo, dễ bị bỏ qua. Nếu đi xe máy lang thang mới dễ bắt gặp. Cây nằm ở đoạn đường mới từ Quản Bạ đi Yên Minh. Nếu muốn tìm đến đây check-in, bạn tham khảo bài viết “Du lịch Hà Giang đến cây nghiến cô đơn như nào?” nhé.
Rừng thông Yên Minh
Nếu bạn đang muốn ngắm những rừng thông Đà Lạt lặng lẽ nhưng bạn lại ở tận miền Bắc, không có quá nhiều ngày nghỉ để đến đó tận hưởng thì hãy đặt ngay một chuyến đi tour Hà Giang từ Hà Nội để đến Rừng thông Yên Minh ở Hà Giang nhé! Không gian ở đây cũng ẩn hiện trong sương mù, ‘khoác’ một màu áo nâu trầm lắng không khác gì Đà Lạt mộng mơ đâu!
Rừng thông này rất gần với những điểm du lịch ở Đồng Văn, Mèo Vạc nên hoàn toàn có thể thoải mái đi trong ngày nhé! Ngoài ra, nếu đi tự túc, nhóm bạn có thể đem đồ đến đây làm chuyến dã ngoại, nhưng nhớ là hãy dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi nhé! Rừng thông nằm ở đường cũ từ Quản Bạ đi Yên Minh nên nếu muốn check-in cả cây cô đơn lẫn rừng thông thì bạn có thể đi theo kiểu đi 1 đường về 1 đường vì đường Hà Giang cả đi lẫn về đều đi theo đường Quốc lộ 4C hết, chỉ có đoạn Yên Minh về Quản Bạ là tách thành 2 hướng thôi, về đến quản Bạ lại “khắc nhập” tiếp.
Hoàng Su Phì
Nói đến những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam, ngoài Mù Cang Chải, Sapa hay Tuyên Quang thì không thể không kể đế Hoàng Su Phì ở Hà Giang. Ở đây có 2 thời điểm đẹp nhất, ấy là mùa nước đổ (khoảng tháng 5, tháng 6) và mùa lúa chín (khoảng tháng 8, tháng 9). Mùa lúa chín thì chắc chắn nhiều người có thể tưởng tượng ra, nhắc đến ruộng bậc thang là có thể hình dung ngay ra những thửa ruộng xanh ngắt đến tận chân trời hoặc vàng rực rỡ. Vậy nhưng mùa nước đổ thì đặc biệt hơn rất nhiều bởi nước loang loáng trên mặt ruộng vào mỗi thời điểm khác nhau trong ngày lại phản chiếu một màu sắc khác nhau, đầy sức hấp dẫn đối với khách du lịch Hà Giang.
Đền Đôi Cô Cầu Má
Đền Đôi Cô Cầu Má là đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn và Cô Bơ Thoải Cung. Ngôi đền này là nơi thường xuyên được khách du lịch Hà Giang ghé qua cầu bình an trước khi bắt đầu hành trình. Hãy tới đây dù bạn tự đi hay đi theo tour nhé!
Cột mốc số 0 Hà Giang
Khách du lịch hay check-in với cột mốc ở các đỉnh núi hơn, thể hiện sự chinh phục thành công. Tuy nhiên Cột mốc số 0 Hà Giang lại là nơi mà 10 khách du lịch Hà Giang thì tới 7, 8 người ghé qua đây chụp ảnh. Lý do đơn giản bởi cột mốc này nằm ngay ở trung tâm thành phố Hà Giang. Các tuyến tour đi cao nguyên đá Đồng Văn đều sẽ ghé qua đây nên du khách thường chụp ảnh với cột mốc số 0 để “khoe” bạn bè mình đã tới Hà Giang.
Bãi đá cổ Xín Mần
Không nằm trong tuyến du lịch chính của các tour du lịch Hà Giang nhưng với những ai yêu thích giá trị cũ hay sự bí ẩn thì có thể tới tham quan Bãi đá cổ Xín Mần. Nơi đây có nhiều phiến đá lớn khắc đầy hình thù kỳ lạ như “mật mã” mà người xưa để lại. Dù các nhà khoa học chưa giải mã được chính xác những hình vẽ này có nghĩa là gì nhưng nếu bạn tới đây ngắm cảnh thì có thể ghé qua xem thử nhé!
Nên du lịch Hà Giang mùa nào?
Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những điểm đến, phong cảnh tĩnh mà còn thu hút khách du lịch Hà Giang bởi những lễ hội, chợ phiên, mùa hoa, mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang, hay nổi bật hơn cả là mùa hoa tam giác mạch – loài hoa ‘sứ giả’ cho vùng đất ‘hoa chen đá’ này.
Hoa tam giác mạch Hà Giang
- Nếu thích những loài hoa đào, hoa mận, hoa cải và những lễ hội của người dân Hà Giang, bạn có thể đến đây vào mùa xuân, khoảng tháng 1 – tháng 3. Hầu hết các lễ hội sẽ tập trung vào thời gian này nên bạn có thể dễ dàng tham gia khi đến vào thời điểm này.
- Tháng 5 – 6 là mùa nước đổ. Đến Hà Giang, đặc biệt là Hoàng Su Phì mùa này, bạn sẽ cảm nhận được những thửa ruộng bậc thang đẹp đến thế nào với những mảng màu đặc sắc. Sau mùa này là đến mùa lúa chín tháng 8 – 10.
- Tháng 10 – 12 là mùa Hà Giang được khách du lịch ghé đến nhiều nhất vì mùa hoa tam giác mạch cực đẹp. Ngoài loài hoa này, hoa cải vàng rực trên những cánh đồng đảm bảo cũng sẽ “đốn tim” du khách. Hãy tới đây và chia sẻ với chúng mình cảm nhận của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé!
Hà Giang những mùa hoa
• Mùa hoa tam giác mạch
Hoa tam giác mạch được ví như ‘đại sứ du lịch Hà Giang’. Ban đầu chỉ là loài hoa trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói trong mùa đông, khi mùa lúa chưa đến. Sau đó nhờ du lịch phát triển và vẻ đẹp sắc hoa khi nở mà tam giác mạch cũng như Hà Giang được du khách biết đến nhiều hơn. Chỉ cần đến Hà Giang vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến tháng 11, đâu đâu khách đi tour Hà Giang cũng thấy những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn. Dưới chân cột cờ Lũng Cú, bản Sủng Là, bên đèo Mã Pí Lèng, Phố Cáo hay Quản Bạ… là những địa điểm được du khách đến lưu lại những bức hình chụp cùng hoa nhiều nhất.
• Những mùa hoa khác ở Hà Giang
Mùa hoa cải ở Quản Bạ
Ngoài hoa tam giác mạch thì Hà Giang mùa xuân với hoa đào rừng, mận rừng hay hoa cải cũng là những thời điểm thu hút nhiều khách đi tour Hà Giang từ Hà Nội đến thưởng lãm. Sủng Là, Phố Cáo với hoa đào, mận nở trắng trời hay những cánh đồng hoa cải ở Quản Bạ luôn là địa điểm gợi ý nhiều nhất cho du khách. Hay mùa hoa gạo Hà Giang với những bông hoa gạo đỏ rực, như nét chấm phá nổi bật giữa núi rừng Đông Bắc xanh trầm mặc cũng khiến du khách nổi “tâm hồn nghệ sĩ”.
Hoa đào, hoa mận Hà Giang Hoa gạo
Những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc
Chợ tình Khau Vai
Hà Giang có đến 24 dân tộc anh em, đồng nghĩa với việc mỗi bản làng, dân tộc lại có một phong tục, tập quán, lễ hội khác nhau. Hầu hết đều là các lễ hội để cảm tạ thần lúa, thần trăng, thần lửa,…những vị thần giúp mùa màng tươi tốt, người dân ấm no như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội nhảy lửa. Nổi bật hơn còn có Chợ tình Khau Vai cho đôi lứa, trai gái hay lễ cấp sắc của người Dao – đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Các lễ hội Hà Giang này thường diễn ra vào mùa xuân, hoặc cuối thu đầu đông, là khi bắt đầu vào mùa vụ mới hoặc kết thúc mùa vụ, đến lúc nông nhàn.
Mùa nước đổ, mùa lúa chín
Những bức ảnh về thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang vàng ruộm, lấp lánh dưới ánh nắng luôn làm say lòng khách du lịch. Tuy nhiên trước mùa lúa chín vàng khi thu về, Hà Giang còn hấp dẫn khách thập phương bởi hình ảnh nước đổ ải, long lanh phản chiếu trời xanh, đặc biệt là ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì.
Mùa nước đổ ải ở Hà Giang
Mùa nước đổ, còn được gọi là mùa đổ ải, là thời điểm người dân dẫn nước vào ruộng để ngâm đất. Thời điểm này thường diễn ra vào tháng 5 – tháng 6. Nước ngấm vào đất, chảy qua những khe núi, qua ống nứa, tràn vào mặt ruộng bậc thang, tạo thành những màu tranh đặc biệt: vàng vàng hồng hồng của phù sa, xanh lá, xanh nhạt của mạ vừa gieo, chỗ khác thì phản chiếu màu trời xanh biếc hay tim tím khi chiều về.
Chợ phiên Đồng Văn
Ngoài những mùa đặc trưng, những Chợ phiên Hà Giang như chợ phiên Đồng Văn, Phố Cáo, hay Mèo Vạc cũng thu hút nhiều khách du lịch Hà Giang đến thưởng thức những món ăn dân dã, sản vật địa phương hoặc chỉ đơn giản là để tận hưởng văn hóa của một miền núi đồi. Dưới đây là lịch “hẹn hò” của các phiên chợ cho bạn dễ theo dõi và đến khi tới Hà Giang nhé:
- Các chợ họp sáng chủ nhật: chợ Quản Bạ, chợ Yên Minh, chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, Mậu Duệ.
- Các chợ họp sáng thứ bảy: chợ xã Quyết Tiến, chợ xã Du Già.
- Các chợ họp ngày Tị, ngày Hợi: Chợ Sà Phìn (trước cổng dinh họ Vương).
- Các chợ họp ngày Dần, ngày Thân: Chợ Lũng Phìn.
- Các chợ họp ngày Tuất, ngày Thìn: Chợ Phố Cáo.
Đặc sản Hà Giang có gì ngon?
Phải nói trước rằng, Hà Giang là miền đất dân tộc với những món ăn dân dã thường ngày, vậy nên nếu đến đây tìm sơn hào hải vị, những món ăn đẹp mắt, bày biện sang trọng thì có lẽ bạn sẽ thất vọng đôi phần nhưng hãy nán lại đã. Vị ngon những đặc sản núi rừng nơi đây chắc chắn sẽ níu chân bạn lại. Dưới đây là một số đặc sản Hà Giang được du khách gợi ý, cùng tham khảo rồi tìm đến những Nhà hàng Hà Giang ăn thử nhé!
Thắng cố
Thắng cố Hà Giang
Đến Hà Giang chắc chắn phải ăn thử Thắng Cố. Thắng cố có nơi dùng thịt bò, thịt trâu hoặc lợn, nhưng ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa. Thắng cố được chế biến từ nội tạng ngựa, ướp cùng nhiều loại gia vị như thảo quả, địa điền, lá chanh, sả…. rồi ninh sôi sùng sục trong nhiều giờ. Món ăn này được ví như “vua” của mỗi phiên chợ bởi đã đến chợ phiên là phải ngồi cùng bạn bè, nhâm nhi một chén rượu ngô, ăn cùng thắng cố, trò chuyện dăm ba hồi.
Bánh hoa tam giác mạch
Bánh tam giác mạch nướng
Như đã nói trên, hoa tam giác mạch trước khi là ‘đại sứ du lịch’ của vùng đất Hà Giang thì đã từng là lương thực cứu đói trong mùa đông và dùng với nhiều mục đích khác. Thân cây hoa được dùng như rau ăn thường ngày, rồi cả thân và lá được dùng như một vị thuốc Đông Y chữa dạ dày, và hạt hoa có thể dùng ủ rượu hoặc làm bánh hoa tam giác mạch. Hạt hoa được thu hoạch, phơi xay thành bột như bột mì, nặn thành bánh, đem đi hấp chín, sau đó lại nướng thêm cho dậy mùi. Hương thơm dìu dịu từ chiếc bánh chắc chắn sẽ làm hài lòng những thực khách đến Hà Giang.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu
Từ một loại củ độc, người dân vùng cao đã chế biến ra được một món ngon có một không hai, mang hương vị đăng đắng, bùi bùi và béo ngậy, đặc biệt là cực kỳ bổ dưỡng.
Cháo ấu tẩu ngon là khi ấu tẩu được ninh kỹ khoảng hơn 12 tiếng, cho nhừ tơi, hết độc tố, rồi ninh cùng cháo và nước xương, chân giò. Khi ăn thì cho thêm hành, ớt, tía tô, trứng… Vị bùi đắng của ấu tẩu, thơm ngậy của chân giò cùng các loại gia vị tạo nên hương vị mà chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Bánh cuốn Hà Giang
Bánh cuốn Hà Giang
Du khách đi tour Hà Giang từ Hà Nội ăn thử bánh cuốn Hà Giang đều thấy lạ lẫm. Khác với bánh cuốn dưới xuôi dùng nước chấm là mắm pha ngọt, bánh cuốn ở đây có nhân trứng, ăn kèm nước xương hầm pha chút muối, thả ít hành hoa cùng giò lụa.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp
Từ lâu, Thịt trâu gác bếp đã là món ăn thơm ngon, hội tụ những nét văn hóa miền rừng núi nơi đây. Với địa hình giao thông hiểm trở, thời tiết khó khăn, người dân Hà Giang luôn phải nghĩ ra những món ăn có thể dự trữ được lâu nhất mà không làm thay đổi hương vị vốn có. Từ ấy, những món thịt gác bếp ra đời.
Thịt trâu sau khi mổ được ướp với ớt, gừng, tiêu, để khô rồi gác lên bếp củi hun quắt lại. Gia vị ướp đặc trưng còn có hạt dổi, Mắc Khén mà không thể tìm được ở nơi khác.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam Bắc Mê
Nhắc đến cơm lam là nhắc đến vùng miền núi. Cơm lam ở Hà Giang dùng gạo nếp, gạo tẻ, vo kỹ, dùng nước mạch ngầm để nấu cùng, cho vào ống tre non rồi bịt đầu lại bằng lá chuối, đặt lên than đỏ hun nóng. Cơm chín sẽ thơm lừng mùi nếp, mùi tre cùng mùi lá chuối thơm lừng, ăn với muối vừng hoặc “sang hơn”, thì ăn cùng cá suối nướng. Quả là một trải nghiệm “ấm cái bụng” phải không!
Bạn có thể xem thêm bài viết 5 món ăn độc đáo nhất ở Hà Giang để biết nên đi đâu ăn gì ở Hà Giang trước khi đi du lịch Hà Giang nhé!
Mua gì ở Hà Giang về làm quà?
Chè shan tuyết
Nếu vẫn còn nhớ thương ‘mùi’ Hà Giang, muốn đem chúng về chia sẻ cùng bạn bè, người thân thì chè shan tuyết, lạp xưởng gác bếp, thịt trâu gác bếp, cam sành Bắc Quang hay thịt lợn cắp nách sẽ là những món quà gợi ý hàng đầu. Để biết chi tiết hơn, bạn có thể đọc qua bài viết “Đặc sản Hà Giang nào đáng mua làm quà?” nhé!
Cần chú ý gì khi du lịch Hà Giang?
- Trang phục, giày dép: Nếu đi Hà Giang mùa đông thì hãy mang áo thật ấm nhé vì thời tiết ở đây là trên núi, lạnh hơn dưới đồng bằng rất nhiều. Nếu đi mùa hè cũng nên mang áo khoác mỏng đề phòng đêm về hơi se lạnh nhé! Nên đi giày thể thao hoặc giày đế mềm đi cho thoải mái. Vì các điểm tham quan ở Hà Giang có vài nơi như cột cờ Lũng Cú, sông Nho Quế hay vách đá trắng… sẽ phải đi bộ vài đoạn nên đi giày thể thao cho tiện bạn nhé.
- Thuốc: Nên mang thuốc hoạt huyết, các loại sâm nước bổ hoặc thuốc chống say xe vì đường đèo Hà Giang khá vòng vèo nên kể cả người đi ô tô quen cũng dễ say lắm đấy! Ngoài ra bạn có thể đem một ít thuốc giảm đau đầu, đau bụng, băng gạc và thuốc xịt chống côn trùng nhé!
- Giấy tờ và hành lý khác: Đi đâu cũng nên đem cả chứng minh thư đi để nếu nơi lưu trú cần cung cấp thì bạn cung cấp cho người ta. Còn đi tự túc mà muốn thuê xe máy thì chắc chắn phải đem cả chứng minh thư và bằng lái xe nhé. Nếu tự đi xe máy thì cần mua thêm xăng dự trữ (tầm chai 1,5L), vài món đồ sửa và vá xe nữa. Còn nếu lên Hà Giang mới thuê thì không cần vì chủ xe sẽ cung cấp đủ cho bạn, nhưng hãy nhớ kiểm tra xe và các món đồ đi kèm trước khi thuê nhé!
Trên đây là một số thông tin về Du lịch Hà Giang như Hà Giang ở đâu, đến đây như nào, các điểm tham quan phổ biến, những mùa đặc biệt hay những đặc sản Hà Giang làm mê lòng du khách. Hy vọng những điều trên sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát nhất về Hà Giang, chọn được hành trình cho kỳ nghỉ sắp tới của mình. Đừng quên theo dõi những bài viết khác về Hà Giang của chúng mình để có nhiều thông tin cập nhật hơn nhé!