Mô Tả Kinh Nghiệm Làm Việc

Mô Tả Kinh Nghiệm Làm Việc

Kinh nghiệm làm việc trong CV cần được trình bày thật tốt để nhà tuyển dụng thấy bạn là một nhân viên tiềm năng của họ. Phần này trong CV phải được chuẩn bị chu đáo bởi nó sẽ cung cấp một lượng thông tin đáng kể nhưng chỉ gói gọn trong một góc nhỏ của CV.

Trong bài viết này, freeC sẽ đem đến cho bạn những hướng dẫn chi tiết về cách liệt kê các kinh nghiệm làm việc sao cho hợp lý. Qua đó, bạn có thể tạo được ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng ngay từ lần đọc CV đầu tiên.

Mô Tả Kinh Nghiệm Làm Việc

Phần kinh nghiệm làm việc trong CV là gì?

Đây là phần chứa những thông tin về kinh nghiệm nghề nghiệp của bạn, bao gồm tên chức vụ; tên công ty; thời gian làm việc; trách nhiệm trong công việc; kỹ năng đã học và thành tích đạt được.

Tùy thuộc vào kinh nghiệm của bạn, bạn có thể đưa vào CV những công việc full-time; part-time hay những vị trí tạm thời; thực tập sinh và thậm chí là cả những việc thiện nguyện nếu bạn chưa bao giờ làm những việc làm có trả lương.

Hình thức trình bày trong CV

  1. Họ tên và thông tin liên lạc
  2. Đoạn giới thiệu ngắn hoặc mục tiêu nghề nghiệp
  3. Kinh nghiệm nghề nghiệp
  4. Tên công ty
  5. Ngày bắt đầu và kết thúc công việc
  6. Mô tả công việc hoặc thành tích đạt được
  7. Trình độ học vấn
  8. Các kỹ năng
  9. Tùy chọn (giải thưởng và thành tích, sở thích và đam mê)

Vì sao kinh nghiệm nghề nghiệp trong CV lại quan trọng?

Đa số nhà tuyển dụng (NTD) coi phần mô tả kinh nghiệm nghề nghiệp là phần quan trọng nhất trong CV. Để biết trước đây bạn đã từng làm ở đâu và làm những gì; NTD sẽ tìm và đọc phần kinh nghiệm nghề nghiệp trước tiên. Như vậy, đây chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa cơ hội và tiến sâu hơn vào vòng trong để có được công việc mong muốn.

Phần kinh nghiệm làm việc sẽ cho nhà tuyển dụng biết được rằng liệu bạn có đủ kinh nghiệm và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc đang ứng tuyển hay không. Đây cũng chính là chỗ bạn ghi thêm những thành tích đã đạt được giúp NTD phân biệt bạn với các ứng viên khác và tăng cơ hội trúng tuyển.

Cách viết phần kinh nghiệm nghề nghiệp trong CV “đốn tim” nhà tuyển dụng

1. Viết những thông tin chi tiết và có liên quan

Những thông tin cụ thể mà bạn nên ghi vào phần kinh nghiệm việc làm, bao gồm:

Tên công ty bạn từng làm

Khi ghi tên công ty, bạn cần ghi rõ ràng, đầy đủ và phải ghi tên chính thức của công ty đó.

Bạn nên liệt kê từng công ty bạn đã làm việc theo thứ tự thời gian gần nhất đến xa nhất, từ trên xuống dưới. Ngoài ra, để không bị lan man, bạn nên bỏ bớt các công ty đã làm việc từ 10 năm về trước.

Nói chung, bạn chỉ nên đưa ra tên của 3 doanh nghiệp hoặc 3 người quản lý gần đây nhất của bạn. Hãy nhớ ghi thêm vào phần này những kinh nghiệm được yêu cầu trong thông tin tuyển dụng (nếu bạn có).

Địa điểm công ty

Ghi rõ tên tỉnh thành mà các công ty trước của bạn trực thuộc. Không nhất thiết phải ghi đầy đủ địa chỉ của công ty vào CV.

Thời gian làm việc

Viết ngày tháng năm bằng định dạng tiêu chuẩn (Tháng 1/2014 – Tháng 11/2019 hoặc Jan 2014 – Nov 2019) để liệt kê thời điểm bắt đầu và kết thúc công việc ở từng công ty.

Nếu bạn đã có khoảng thời gian nghỉ làm ngắn hạn (short gaps) trong sự nghiệp, bạn có thể không cần phải ghi vào CV thời gian gap này. Nhưng nếu thời gian nghỉ lâu (long gaps), bạn cần ghi thêm một vài lời giải thích ngắn gọn kèm theo.

Chức vụ

Bạn nên ghi cụ thể tên chức vụ bạn đã đảm nhận trong công ty.

Ví dụ, bạn phải ghi rõ bạn từng làm ở vị trí Quản lý tiếp thị truyền thông xã hội (Social Media Manager) thay vì chỉ ghi chung chung là vị trí Quản lý bộ phận tiếp thị (Marketing Manager). Ngoài ra, bạn tránh viết tắt những từ dùng để gọi tên chức vụ của mình.

Trách nhiệm công việc và thành quả đạt được

Mô tả chính xác trách nhiệm chính và các kỹ năng đã làm tốt ở các công việc cũ. Chẳng hạn như quản lý dự án; lập kế hoạch chiến lược hoặc xây dựng các đội nhóm khác nhau.

Liên hệ trách nhiệm của bản thân với một thành quả xuất sắc bạn đã đạt được kèm theo các số liệu cụ thể.

Ví dụ, thay vì viết

“chịu trách nhiệm kiểm kê và đặt mua các mặt hàng văn phòng phẩm”, hãy viết

“Phát triển quy trình kiểm kê mới, giảm thiểu chi phí cung cấp hàng hóa trong một quý lên đến 15%”.

Các đợt thăng chức

Liệt kê những lần bạn được thăng chức ở các công việc trước đây. Điều này sẽ là một điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng bởi họ sẽ thấy bạn là một người có trách nhiệm trong công việc.

Các giải thưởng và bằng chứng nhận

Bạn có thể liệt kê các giải thưởng hoặc những bằng cấp trong phần kinh nghiệm nghề nghiệp này; hoặc tách ra thành một phần riêng. Những thành tựu này cho thấy bạn là ứng viên nổi trội trong lĩnh vực công việc của bạn.

Nếu không có những kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, bạn có thể ghi ra những kinh nghiệm khác cho thấy kỹ năng và khả năng hoàn thành tốt công việc của bạn.

Nó có thể bao gồm cả những công việc được trả lương (kinh doanh bán lẻ; công nghiệp thực phẩm; các kỳ thực tập; công việc tình nguyện,…); Tuy không liên quan trực tiếp đến công việc bạn ứng tuyển nhưng sẽ cho NTD một cái nhìn tốt về kỹ năng bạn có. Dù vậy, bạn vẫn nên ưu tiên những kinh nghiệm có liên quan.

Nếu bạn có ít nhất 2 năm kinh nghiệm chuyên ngành, bạn nên lược bớt những công việc ít liên quan hơn.

2. Chọn hình thức trình bày

Dưới đây là 3 kiểu hình thức xây dựng phần kinh nghiệm nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất:

Dạng thứ tự

Như đã nói ở trên, nếu bạn trình bày theo dạng thứ tự, hãy viết những kinh nghiệm có thời gian gần nhất đến xa nhất.

Đây là dạng được sử dụng phổ biến nhất bởi nó cho thấy cách bạn trở nên tiến bộ qua từng công việc một cách rõ ràng. Phương pháp này sẽ hiệu quả nhất khi bạn có ít nhất một vài năm kinh nghiệm trong công việc.

Dạng chức năng

Với hình thức CV chức năng, bạn cần phân loại các thành tích và kỹ năng theo yêu cầu công việc. Đồng thời, bạn chỉ cần liệt kê ra tên của những người quản lý trước đây và khoảng thời gian bạn đồng hành cùng họ.

Hình thức này sẽ tập trung vào các thành tích, kỹ năng của ứng viên thay vì các chức vụ bạn nắm giữ. Vì thế, đây là một lựa chọn phù hợp cho các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.

Dạng kết hợp

Hình thức kết hợp sẽ linh hoạt hơn vì nó cho phép bạn trình bày kinh nghiệm theo hướng nhấn mạnh ưu điểm của bản thân. Khi lựa chọn dạng kết hợp, bạn cần cung cấp một bản tóm tắt về kinh nghiệm chuyên môn trước, sau đó là một danh sách những thành tích và kỹ năng. Hãy cân nhắc dùng hình thức này nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lý hoặc ban quản trị.

Mẫu trình bày phần kinh nghiệm công việc trong CV

Sau đây là phần trình bày mẫu kinh nghiệm việc làm trong CV mà bạn có thể tham khảo:

Kinh nghiệm nghề nghiệp

[TÊN CÔNG TY A] |TP. HCM, VIỆT NAM

Trợ lý kế toán

Tháng 2/2016 – Tháng 1/2019

  • Mua vật tư và thiết bị cho 3 bộ phận trong công ty, ghi nhận chính xác các giao dịch mua bán và giảm thiểu sự chênh lệch khi đối chiếu các khoản thu chi đến 35%.
  • Thực hiện báo cáo chi phí các quy trình, ghi lại và phân bổ các mục chi phí hợp lý.
  • Gửi yêu cầu hoàn trả chi phí phát sinh khi tổ chức du lịch, nghỉ mát và đảm bảo hoàn thành các bản khai nhận biên lai còn thiếu.

[TÊN CÔNG TY B] |TP. HCM, VIỆT NAM

Nhân viên kế toán

Tháng 7/2014 – Tháng 2/2016

  • Hỗ trợ, thực hiện các yêu cầu của nhà cung cấp, tìm ra và giải quyết triệt để các mối lo ngại.
  • Tiếp nhận, theo dõi và xử lý chính xác hơn 50 khoản thanh toán hóa đơn của nhà cung cấp mỗi tuần.
  • Đối chiếu các khoản thanh toán mỗi ngày.

[TÊN CÔNG TY C] |TP. HCM, VIỆT NAM

Thực tập kiểm toán

Tháng 5/2010 – Tháng 6/2014

  • Xử lý tiền mặt, kiểm tra và giao dịch qua thẻ tín dụng, duy trì độ chính xác lên tới 98%, giảm thiểu các lỗi cân bằng (balancing errors) vào cuối ngày.
  • Cân đối kiểm tra các giao dịch thanh toán, xác định và giải quyết sự chênh lệch ngay lập tức.
  • Cẩn trọng trong việc chuẩn bị và gửi tiền vào ngân hàng (~100 triệu/lần) mỗi tuần 2 lần.

Mẹo viết kinh nghiệm việc làm trong CV

Tất cả các ứng viên khi viết CV phải tuân thủ đúng các hình thức cũng như cách trình bày theo tiêu chuẩn đã được đề ra. Tuy nhiên, bạn có thể khiến CV của mình trở nên nổi bật hơn với một vài mẹo dưới đây:

Chọn mẫu CV phù hợp

Một mẫu CV phù hợp sẽ làm thông tin của bạn dễ nhìn, dễ đọc. Hãy chọn một kiểu CV có thể giúp bạn dễ dàng liệt kê những người quản lý trước đây; chức vụ trong công việc và thời gian làm việc xuyên suốt từ đầu đến cuối CV. Bạn có thể làm cho thông tin của mình bắt mắt hơn bằng định dạng in đậm; các đường kẻ ngang và bảng biểu.

Đáp ứng mọi nhu cầu của nhà tuyển dụng

Đa phần các ứng viên chỉ tập trung liệt kê các trách nhiệm và kỹ năng cần thiết. Hãy làm cho bản thân được nổi bật hơn bằng cách đề cập đến những lợi ích, giá trị mà bạn có thể đem lại cho công ty thông qua các công việc trước. Đồng thời, bạn cần kết hợp kinh nghiệm của mình với các từ khóa có sẵn trong mô tả công việc.

Tạo sự khác biệt cho bản thân

Ngoài các trách nhiệm đã đảm nhận trong công việc trước, bạn nên cung cấp vài thông tin giúp bạn trở nên khác biệt so với các ứng viên khác. Bạn có thể ghi ra những khả năng hoặc đặc điểm có “1-0-2” của mình, những phần thưởng danh giá bạn đã nhận hoặc chức vụ lãnh đạo nào đó bạn từng nắm giữ.

Trình bày cô đọng

Trình bày các thông tin bằng các dấu đầu dòng một cách súc tích, dễ đọc. Hãy nhớ chỉ đưa vào những thông tin có liên quan đến công việc đang ứng tuyển.

Mở đầu hoặc kết thúc bằng những điểm vượt trội nhất của bạn

Điều này đặc biệt quan trọng nếu CV của bạn dài hơn 1 trang. Một phần giới thiệu ngắn gọn kết hợp với các ngôn từ đầy tính thuyết phục sẽ giúp bạn nâng cao khả năng được nhà tuyển dụng đọc hết CV từ đầu đến cuối.

Kiểm tra lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả

Cẩn thận đọc lại và sửa lỗi từng câu chữ trong CV để nhà tuyển dụng có thể thấy được sự chuyên nghiệp và sự cẩn trọng của bạn đối với các chi tiết nhỏ nhặt.

Bên trên, blog.freec.asia đã chia sẻ với bạn cách viết phần kinh nghiệm làm việc trong CV ấn tượng. Bạn nên áp dụng ngay những mẹo này để hoàn thiện sớm CV và ứng tuyển vào công ty mong muốn nhé!

Có thể bạn quan tâm:

  • Cách viết CV như thế nào đúng chuẩn và ấn tượng?
  • Cách tạo CV trên máy tính đơn giản, đẹp mắt và chuyên nghiệp
  • Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm
Rate this post