Sau khi chuyển phôi khoảng 14 ngày, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu đo nồng độ hormone beta hCG (thường gọi tắt là đo beta) để xem phôi có làm tổ thành công hay không. Tuy nhiên, bạn có thể tự nhận biết một số dấu hiệu chuyển phôi thành công sau đây.
TÓM TẮT
Chuyển phôi trong IVF là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hữu ích cho những trường hợp người vợ bị tắc ống dẫn trứng, bất thường tinh trùng ở chồng, các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản thông thường, cặp vợ chồng lớn tuổi có kèm bệnh lý rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung, bất thường về di truyền, vô sinh không rõ nguyên nhân…
Chuyển phôi là một thủ thuật vô cùng quan trọng nằm trong quy trình IVF. Đây là kỹ thuật đưa phôi thai sau khi nuôi cấy vào tử cung người mẹ để phát triển thành thai nhi. Phôi thai này có thể nuôi đến ngày 3, ngày 5; là phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh được tạo ra từ chu kỳ trước đó.
Thông thường, thủ thuật chuyển phôi sẽ được thực hiện vào ngày 18 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt, khi niêm mạc tử cung của người mẹ đã đạt được độ dày chuẩn (9 – 10mm), đồng thời sức khỏe mẹ tốt, sẵn sàng cho việc mang thai.
Các dấu hiệu chuyển phôi thành công
Thông thường, khoảng 14 ngày sau chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone Beta HCG (gọi tắt là đo Beta) nhằm kiểm tra xem phôi có làm tổ thành công hay không.
Tuy nhiên, bạn có thể chú ý những dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi để có bước chuẩn bị và chăm sóc thai kỳ thật tốt ngay từ những ngày đầu tiên:
Sau chuyển phôi 1 ngày
Sau bước chuyển phôi, bạn có thể buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, cứ 2 – 3 tiếng lại buồn tiểu. Bạn vẫn có thể đi tiểu bình thường, không cần dùng bỉm tã, không nên ngồi xổm, chú ý mọi thứ cần nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh bị ngã.
Bạn cần chú ý giữ vùng kín sạch sẽ, thường xuyên thay quần lót; không thụt rửa âm đạo, không sử dụng bất kỳ nước rửa hoặc thảo dược âm đạo nào.
Khi nằm ngủ, bạn nên nằm ở phía mép giường để việc cử động lúc nằm xuống và ngồi dậy dễ dàng, tránh gồng người tạo áp lực lên cơ bụng.
Sau chuyển phôi 2 ngày
Bước sang ngày thứ 2, về cơ bản bạn không gặp triệu chứng gì. Nếu nhạy cảm, bạn có thể thấy hơi đau ở đầu ti và còn cảm giác mót tiểu.
Quá trình làm tổ của phôi thai chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung ở điểm tiếp xúc với phôi, ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài tử cung. Do đó, bạn cần đi lại nhẹ nhàng, hạn chế leo cầu thang; hạn chế bưng vác đồ nặng; không cúi gập người, cũng không nên nằm một chỗ để máu lưu thông dễ dàng.
Sau chuyển phôi 3 – 5 ngày
Giai đoạn này rất quan trọng bởi đây là lúc phôi tìm nơi làm tổ. Chính vì thế, bạn cần đi lại và vận động nhẹ nhàng hơn bình thường, hạn chế tối đa việc leo cầu thang, nằm nghỉ ngơi nhiều hơn. Không cúi gập người hay xỏ giày vì động tác này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên tử cung.
Bạn có thể để ý những dấu hiệu có tim thai sau chuyển phôi 3 – 5 ngày gồm:
- Cảm giác nặng và quặn vùng bụng dưới, thỉnh thoảng có cơn đau nhói;
- Căng tức ngực, có thể chỉ đau ở đầu ti hoặc cùng có thể đau bầu ngực;
- Đau lưng hoặc đau phía bên 2 hông eo;
- Có thể xuất hiện đốm máu vì phôi thai gây tổn thương lớp niêm mạc tử cung khi làm tổ. Nếu tình trạng xuất huyết nhiều, bạn cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.
Sau chuyển phôi 6 ngày
Đến ngày thứ 6, bạn có thể vẫn còn triệu chứng đau lâm râm vùng bụng. Đây là triệu chứng bình thường và có thể kéo dài đến vài ngày sau.
Ngoài ra, trong những ngày này, vì nội tiết tố cao hơn mức bình thường nên bạn có thể gặp tình trạng âm đạo luôn ẩm ướt, ra nhiều huyết trắng. Nếu những ngày trước bạn có ra ít máu ở âm đạo thì có thể vẫn tiếp diễn ở ngày 6, ngày 7 sau chuyển phôi.
Sau chuyển phôi 7 ngày
Bạn có thể bị đau đầu và mệt mỏi, thậm chí bị sốt từ ngày thứ 7 sau chuyển phôi. Lúc này bạn cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Sau chuyển phôi 8 ngày
Triệu chứng đau đầu và mệt mỏi có thể kéo dài vài ngày. Vào những ngày này, bạn có thể thấy đói và ăn ngon miệng, ăn nhiều hơn, tuy nhiên cũng có thể kén ăn, ăn không ngon miệng vì mệt mỏi.
Sau chuyển phôi 9 – 10 ngày
Bước sang ngày thứ 9, thứ 10 sau chuyển phôi, có thể bạn sẽ gặp các triệu chứng như buồn nôn kèm theo khó thở, chóng mặt, nhưng cũng có thể cơ thể bình thường, không xuất hiện triệu chứng gì.
Sau chuyển phôi 11 – 13 ngày
Bác sĩ… cho biết, hầu hết bệnh nhân đều dùng que thử thai ở thời điểm này vì tin rằng kết quả khá chính xác. Tuy nhiên, trong thời gian này bệnh nhân có sử dụng thuốc nội tiết nên có thể cho kết quả dương tính giả. Do đó, khuyến khích bệnh nhân không nên vội vàng thử que vào thời điểm này để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần.
Nếu bạn không gặp bất cứ triệu chứng nào vào những ngày trước thì từ ngày 11 sau chuyển phôi, bạn có thể gặp các biểu hiện muộn như đau tức ngực, nặng bụng, đi tiểu nhiều lần. Bạn có thể cảm thấy đau líu nhíu ở bụng dưới như kiểu phôi bám. Tuy nhiên, cũng có thể bạn không gặp triệu chứng gì, người nhẹ bẫng.
Sau chuyển phôi 14 ngày
Đến ngày thứ 14 sau chuyển phôi, bạn sẽ được hẹn đến trung tâm để xét nghiệm máu đo Beta HCG. Nếu nồng độ Beta HCG ở mức cao hơn 25 mIU/ml có nghĩa là có thai. Vì nồng độ HCG ở giai đoạn đầu thai kỳ tăng rất nhanh, thông thường nồng độ HCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 48 – 72 giờ. Do đó, nếu sau 2 ngày đo lại nếu nồng độ Beta HCG tăng khoảng từ 1,5 lần trở lên thì chứng tỏ thai đang phát triển tốt.
Trường hợp nồng độ Beta HCG tăng thấp, có kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau bụng âm ỉ kéo dài, xuất huyết âm đạo… có nghĩa là phôi thai đang thoái triển, khả năng giữ được thai thấp. Tuy nhiên, nếu được can thiệp xử trí sớm và kịp thời, sau 48 giờ xét nghiệm lại nồng độ Beta HCG tăng gấp đôi thì vẫn còn hy vọng giữ được thai.
Trường hợp nồng độ Beta HCG cao hơn mức bình thường có khả năng mang đa thai. Ngoài ra, trong thời gian dưỡng thai chờ siêu âm, nếu bạn có ra máu âm đạo kèm đau vùng bụng thì nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám sớm, loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung.
Trường hợp nồng độ Beta HCG sau 2 ngày không tăng hoặc giảm dần cần tiếp tục theo dõi thêm. Nếu giảm thấp hơn 5mUI/ml có nghĩa là sảy thai. Lúc này, bạn cần chuẩn bị tinh thần và dưỡng sức khỏe để chuyển phôi vào các chu kỳ kế tiếp.
Khi nào bạn nên thử thai?
Que thử thai là một dụng cụ thử thai cho độ chính xác khá cao dựa vào nồng độ nội tiết thai nghén HCG có trong nước tiểu của người phụ nữ. Nồng độ này cho kết quả cao nhất là vào ngày thứ 7 sau thụ thai. Tuy nhiên, với thủ thuật chuyển phôi bạn cần có một lượng HCG rất lớn mới có thể mang thai, do đó kết quả thử thai bằng que có thể bị sai lệch.
“Chúng tôi thường khuyên bệnh nhân nên thử thai vào ngày 12 của vòng kinh, tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân sốt ruột nên đã thử vào ngày 8 hoặc ngày 10, có thể vẫn cho kết quả nhưng độ chính xác không cao. Việc thử thai bằng que chỉ có thể định tính là có thai hay không, còn thử máu định lượng Beta HCG vừa xác định được bệnh nhân có thai hay không, vừa theo dõi được sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, nếu sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, sau chuyển phôi bệnh nhân nên thử máu định lượng Beta HCG”, bác sĩ… chia sẻ.
Không thấy dấu hiệu có thai sau chuyển phôi phải làm sao?
Thông thường các dấu hiệu có tim thai sau chuyển phôi sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 14 sau chuyển phôi, tuy nhiên có người xuất hiện triệu chứng, có người không. Do đó, bạn không cần lo lắng mà hãy đợi đến ngày thứ 14 và đến bệnh viện để được làm xét nghiệm máu, thử thai bằng cách đo nồng độ Beta HCG để xác định chính xác có thai hay không.
Làm thế nào để tỷ lệ chuyển phôi thành công cao?
Một số lưu ý giúp tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công như:
- Duy trì thói quen tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tạo sức đề kháng cho cơ thể chống lại các bệnh cảm cúm, ho, sốt…;
- Trước và sau chuyển phôi không ăn những thực phẩm gây khó tiêu, tác động xấu đến khả năng bám vào thành tử cung của phôi thai;
- Không ăn thức ăn cay nóng, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…;
- Sau chuyển phôi không ăn đu đủ và rau ngót, không uống dừa tươi để tránh bị tuột phôi trong giai đoạn phân chia tế bào.
Kinh nghiệm trước và sau chuyển phôi
Kinh nghiệm của mẹ Khanh Ly chia sẻ từ Hội các mẹ mong con – IVFTA
Giai đoạn chuẩn bị kích trứng, chuyển phôi
Em có AMH chỉ 1.1, khá thấp sau 3 lần kích trứng và độ tuổi của em cũng không còn trẻ. Kết quả 3 lần chuyển phôi ở bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện Bưu Điện không có beta. Tiền sử 6 lần sảy và lưu sớm, 3 lần thai ngoài tử cung. Chưa kể sau đó em từ 56kg lên hẳn 74,5kg do trữ nước. Rút kinh nghiệm, bản thân em quyết tâm giảm xuống 52kg bằng chế độ ăn uống và tập luyện. Từ đó sức bền, nhịp tim và khí huyết của em tốt hơn hẳn.
Em duy trì tập mỗi ngày tối thiểu 30 phút từ lúc ổn định cân nặng đến trước khi chuyển phôi.
Ăn gì trước khi chuyển phôi?
- Giảm đường, các loại đồ ăn/uống chế biến sẵn. Không ăn/uống đồ lạnh.
- Không uống cà phê, trà, các loại nước đóng chai và rượu bia.
- Tăng cường các loại thực phẩm như:
- Khoai lang, ngô, các loại đậu, hạt vừng;
- Hoa quả: táo, cam, chuối, dưa hấu, bưởi;
- Rau củ: cà chua, cà rốt, rau bina, súp lơ xanh, hành tây, tỏi, húng quế, rau diếp, ớt, ớt xanh, củ cải đường và nấm, cải xoăn, rau ngót, rau muống, dưa chuột (các loại rau màu xanh đậm).
- Các loại cá, đặc biệt là cá hồi, trứng, hải sản
- Sữa chua, sữa tươi nên uống mỗi ngày
- Uống sữa ong chúa tươi trước ăn sáng 15 phút và uống Vitamin E trong hoặc ngày sau bữa sáng.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Không thức khuya, tránh stress.
- Đi bộ hoặc tập thể thao, yoga, vận động. Miễn sao ngày cố gắng khoảng 30-60′ cho khí huyết lưu thông, tăng đề kháng cho cơ thể.
- Đạp xe trên giường 300-500 cái + xoa bụng 200-300 cái. (Bài này có tác dụng cực kỳ tốt lên phần phụ, giúp lưu thông máu trong tử cung và cũng hỗ trợ giảm mỡ bụng.
- Ngâm chân nước gừng – muối.
- Tập thói quen uống nước ấm thay vì uống nước đá/nước lạnh. Bản thân em thì duy trì ngày một bình 1 lít nước Saffron, vừa chống ung thư, tốt cho nội tiết tố lại đẹp da.
- Sấy lòng bàn chân và bôi dầu tràm trước khi đi ngủ.
Em đã kiên trì kết hợp thực đơn, tập luyện và thay đổi các thói quen không tốt từ tháng 3/2018 đến tháng 10/2019. Kết quả lần 3 làm IVF ở Tâm Anh: được 11 trứng, 7 phôi ngày 3 trong đó 1 xấu đã hủy; trong khi 3 lần trước chỉ được 2 và 4 phôi ở Phụ sản Trung ương và bệnh viện Bưu Điện.
Điều em muốn nhấn mạnh ở đây, kể cả các chị đang chuẩn bị chọc trứng hay chuẩn bị chuyển phôi, chúng ta cũng cần một cơ thể khoẻ mạnh, đề kháng tốt. Phần lớn lần này em đậu và ko hắt hơi, sổ mũi gì là do bản thân em có sự chuẩn bị tốt hơn những lần trước.
Tâm linh
Ngày chuyển phôi, em sửa soạn hoa quả thắp hương tại gia. Sau đó em đến viện sớm hơn lịch hẹn, lên tầng 7 xin Mẹ Quan Âm, Thần Tài, Thần linh thổ địa. Em không chuẩn bị lễ vì lần trước lên thấy các bạn bày nhiều. Em muốn công đức phát tâm hơn ạ. (Nếu cửa khoá, mọi người có thể nhờ bác bảo vệ ở tầng 5 mở cho. Em lên bất chợt 2 lần thì không thấy cửa khoá).
Giai đoạn chuẩn bị niêm mạc
Đa phần các chị em thường được chỉ định chuyển phôi trữ. Giai đoạn chuẩn bị niêm mạc tử cung trước chuyển phôi khoảng 12-18 ngày, bắt đầu từ ngày 2 chu kỳ kinh. Có người lên đến 22 ngày cũng đừng quá lo lắng, tuyệt đối nghe theo chỉ định của bác sĩ. Niêm mạc tử cung lý tưởng từ 8-12mm, 3 lá. Thấp hoặc cao hơn thì bác sĩ sẽ quyết định kết hợp thêm nhiều yếu tố khác.
Thời gian này, các chị nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt như trên em đã viết. Đặc biệt đừng quên uống thuốc và đặt thuốc đúng giờ.
Chuyển phôi và sau chuyển phôi
Lịch em chuyển phôi gần cuối. Trong lúc đợi gọi đến lượt vào trong, em uống một ly nước (trước đó ở nhà em đã đi tiểu hết). Sau khi thay quần áo xong, em lại uống 2 ly nước nữa, rồi nhịn từ 6h30 – 9h30 thì vào chuyển phôi. Bụng cũng không quá căng.
Sau khi chuyển phôi xong, em nằm khoảng 1 tiếng, truyền xong em nhẹ nhàng vào đi tiểu, thay đồ và xuống tầng 1 bắt Grab để về. Em đi bộ từ đầu ngõ vào nhà và leo lên phòng ở tầng 2 nằm.
- Ăn gì sau chuyển phôi: Bác sĩ khuyên ăn gì cũng được, miễn sao đủ chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này quá chuẩn ạ!
Theo truyền miệng thì giai đoạn này nên ăn cá chép cho an thai vì cá chép vốn dĩ có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng cá nhân em thì không dùng vì lý do cá nhân.
Thực đơn hằng ngày của em gồm: Sáng ăn xôi/bún/phở/cháo, món nào cũng được, không quá cầu kỳ nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Giữa buổi ăn chuối/bơ/cam. Trưa ăn uống bình thường, nhà có gì ăn nấy. Mẹ chồng em hay hỏi thích ăn gì mẹ làm nhưng nằm một chỗ nên em không thiết tha vụ ăn uống lắm đâu. Buổi tối nên ăn ít cơm, nhiều rau cho dễ tiêu các chị ạ. Thêm món mía hấp nữa vì em đọc đâu đó có viết mía hấp giảm nguy cơ sảy sớm, thai lưu. (Cái này không biết được kiểm chứng chưa, nhưng ăn mía cũng ngon nên ngày nào mẹ chồng em cũng làm cho em một bát).
Đừng quên ngày 1,5-2L nước nhé, đi vệ sinh nhiều một chút cũng không lo phôi rớt đâu ạ.
- Vận động: Suốt 10 ngày sau chuyển phôi, em nằm phía trong do thói quen, nhưng nếu được thì nên nằm ngoài mép giường cho tiện di chuyển. Muốn ngồi dậy thì xoay người nhẹ nhàng và dùng tay nâng từ từ, không gồng bụng. Nhìn chung là “cẩn tắc vô áy náy” nhưng cũng nên không quan trọng hóa vấn đề. Nhiều đêm chồng nằm ngoài, em vẫn từ từ ngồi dậy, nhích xuống cuối giường và đứng dậy đi vệ sinh, thậm chí cúi nhặt đồ như thường, không làm mạnh và gập bụng quá là okie. Cứ 2 tiếng em lại dậy đi bộ chục vòng trong phòng cho đỡ mỏi, vẩy tay để máu lưu thông.
- Ngày 1 sau chuyển phôi: em bắt đầu xuất hiện hiện tượng lâm râm bụng từ khá sớm, hay xì hơi, thân nhiệt cao; tuy nhiên em vẫn đi lại bình thường. Mỗi lần đặt thuốc, rửa sạch tay và vùng kín, sau đó đeo găng y tế để đặt. Thay quần lót thường xuyên (nên mua loại màu trắng, cotton thoáng để theo dõi bã thuốc), tuyệt đối ko để cô bé ẩm ướt.
- Ngày 2 sau chuyển phôi: em vẫn chỉ lâm râm bụng dưới, không đau ngực, chỉ mỏi lưng. Để đỡ stress, em xem phim hài, chơi điện tử…
- Ngày 3-5 sau chuyển phôi: đây là những ngày rất quan trọng vì là lúc phôi làm tổ, nên chị em hết sức lưu ý cân đối chế độ dinh dưỡng, tránh táo bón hay tiêu chảy. Nếu lỡ “tắc” thì tuyệt đối không “rặn”, nên để mọi việc thuận theo tự nhiên.
Các thực phẩm giúp hạn chế táo bón nên bổ sung như: Khoai lang, bơ, đậu bắp, nước cam, chuối.
Những ngày này vẫn đi bộ nhẹ nhàng nhưng ít hơn, nên nghỉ nhiều hơn một chú, đặc biệt không suy nghĩ tiêu cực, stress vì tử cung đang rất cần sự “yên tĩnh” để các bé phôi làm tổ.
Một số dấu hiệu mà mọi người thường gặp trong giai đoạn này em xin tổng hợp lại:
- Hơi nặng bụng dưới, có cảm giác cắn, thỉnh thoảng nhói lên.
- Căng tức ngực hoặc đầu ti.
- Đau lưng hoặc đau 2 bên hông eo.
- Có thể ra chút máu vì phôi thai gây ra tổn thương cho niêm mạc tử cung khi làm tổ.
Các chị đừng quá căng thẳng nếu không có các dấu hiệu trên nhé, tinh thần cực kỳ quan trọng đấy. Cá nhân em thì ngày 3-4 người nhẹ tênh; đến ngày 5 bắt đầu chán ăn, buồn nôn, thân nhiệt vẫn cao từ ngày 1.
- Ngày 6 sau chuyển phôi: Sau khi hết Spasmaverine cũng là lúc táo bón. Ngày này thân nhiệt em vẫn cao. Cao nhất vào khoảng chiều tối đến tối.
- Ngày 7 sau chuyển phôi: Cảm thấy mệt mỏi hoặc không, tuỳ vào đáp ứng của thuốc nội tiết vào mỗi cơ thể. Ngày này em chán ăn nhưng vẫn duy trì để dùng thuốc đúng giờ. Chiều tối thử que 2v. Vạch 2 mờ. Khuyên các chị em giai đoạn ngày 7-8 sau chuyển phôi đừng lọ mọ thử que vì mình đang sử dụng thuốc nội tiết, nên kết quả có thể dương tính giả, nhỡ que ko lên vạch lại ảnh hưởng tâm lý, tinh thần tụt dốc. Cá nhân em do ra dịch ngả màu sau đặt thuốc và người hơi khác nên mới quyết định thử, ai ngờ ăn may.
- Ngày 8 sau chuyển phôi: Cảm giác chán ăn kéo dài, lưng mỏi – nhất là phần xương chậu. 11h45 có thử beta. 14h30 có kết quả: 110.
- Ngày 9-10 sau chuyển phôi: Cảm thấy khó thở, hơi chóng mặt và khi nói chuyện nhiều cảm thấy như hụt hơi. Tình trạng đau lưng vẫn còn, bụng dưới cảm thấy nặng và căng nhiều hơn, thỉnh thoảng lói nhói ở 2 vị trí cố định dưới rốn 5 phân.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) tự tin là trung tâm hàng đầu cả nước trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm IVFTA đã đón hàng ngàn em bé về nhà cho hàng ngàn gia đình hiếm muộn.
Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia phôi học, hệ thống máy móc hiện đại, tối tân nhất thế giới, IVFTA triển khai thực hiện đa dạng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay, “hiện thực hóa” ước mơ được làm cha làm mẹ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn trong nước và quốc tế.
Để tìm hiểu và lắng nghe tư vấn của các chuyên gia hàng đầu của IVFTA, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến:
Trên đây là những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi thường gặp nhất, tùy vào cơ địa mỗi bệnh nhân mà có thể có những dấu hiệu khác nhau, do đó chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có hướng dẫn theo dõi phù hợp và chính xác.