TRUNG TÂM GIA SƯ GLORY    -    TRUNG TÂM UY TÍN TẠI HẢI PHÒNG.    ĐỊA CHỈ: NGÕ 275 ĐÔNG KHÊ, NGÔ QUYỀN, HẢI PHÒNG

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam là gì?

Thứ tư - 08/12/2021 22:08
Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc chung thống nhất tạo thành cơ chế chặt chẽ, đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà nhân dân giao cho.
Người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử
Người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử


Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những nguyên lý, những tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với bản chất của nhà nước, tạo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và toàn thể bộ máy nhà nước. Thông thường các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được ghi nhận trong các bản Hiến pháp, đạo luật của nhà nước. Hệ thống các nguyên tắc gồm:
Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo các nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân;
Nguyên tắcquyền lực nhà nước thống nhất, trên cơ sở có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;
Nguyên tắc đảng lãnh đạo;
Nguyên tắc pháp chế;
Nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Nguyên tắc đầu tiên:

1. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Theo đó, nhân dân có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; có quyền tham gia quản lí nhà nước, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; thực hiện việc kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước; có quyền khiến nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước.
Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân khẳng định quyền lực nhân dân là quyền lực gốc và là quyền lực cao nhất; Nhà nước là bộ máy phục vụ lợi ích nhân dân, hoạt động phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân…

2. Quyền lực nhà nước thống nhất, trên cơ sở có sự phân công  phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

Điều 3 Hiến pháp 2013: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Các cơ quan dân biểu (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Các cơ quan khác từ trung ương tới địa phương đều phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước các cơ quan này. Trong đó, Quốc hội là cơ quan chủ yếu thực hiện
quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan chủ yếu thực hiện quyền hành pháp, Toà án là cơ quan chủ yếu thực hiện quyền tư pháp nhưng hoạt động của mỗi cơ quan luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan khác.
Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan có sự kiểm soát lẫn nhau đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ý nghĩa nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh được hiện tượng mâu thuẫn, xung đột giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước.

3. Nguyên tắc thứ ba là Đảng lãnh đạo

Điều 4 Hiến pháp 2013 khẳng định:“Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội".
Là một tổ chức chính trị của giai cấp, đảng có quyền lãnh đạo chính trị nhưng đảng không quản lý nhà nước mà Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị đối với xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện đối với công tác tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam bằng rất nhiều các phương pháp khác nhau: lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng; đề ra chủ trương đường lối, phương hướng lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
Chỉ đạo và quyết định những vấn đề lớn về tổ chức bộ máy và nhân sự; chỉ đạo quá trình xây dựng pháp luật, thể chế hoá chủ trương, chính sách…; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình thực hiện…; đào tạo cán bộ để tăng cường cho bộ máy nhà nước. Ngược lại, mọi tổ chức Đảng và mọi Đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhằm giữ vững bản chất xã hội chủ nghĩa của nhà nước;
tạo ra sự thuần nhất trong hệ thống chính trị; đảm bảo các cơ quan nhà nước, các nhân viên nhà nước luôn hoạt động theo một lý tưởng và định hướng thống nhất.

4. Nguyên tắc tập trung dân chủ:

Điều 8 Hiến pháp 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Tập trung dân chủ là nguyên tắc quy định trước hết chế độ lãnh đạo tập trung đồng thời bảo đảm sự kết hợp giữa việc chỉ đạo tập trung thống nhất của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên với mở rộng dân chủ, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ quan nhà nước ở địa phương và cơ quan cấp dưới.
Nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện:
Về tổ chức, tất cả quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, mà quyền lực ấy được nhân dân thực hiện một cách trực tiếp hoặc thông quan bộ máy nhà nước mà cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Các cơ quan nhà nước khác phải báo cáo công tác trước Quốc hội. Quốc hội chỉ đạo thống nhất hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước.
Về hoạt động, các cơ quan nhà nước trong mỗi phân hệ chịu sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cơ quan đứng đầu phân hệ ấy. Cơ quan cấp dưới phải phục tùng cấp trên nhưng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể tự giải quyết các công việc một cách linh hoạt, không trông chờ, ý lại vào cấp trên; có quyền phản hồi ý kiến với cấp trên; có quyền đề xuất sáng kiến… Nguyên tắc tập trung dân chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mở rộng dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân, của tập thể đồng thời vẫn đảm bảo được sự chỉ động tập trung thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới, đề cao trách nhiệm và ý thức kỷ luật của cán bộ, công chức.

5. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa:

Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội mà trước hết là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật; Việc thành lập và hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước đều phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật dù là của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước cũng phải được xử lý nghiêm minh. Thực hiện tốt pháp chế là cơ sở pháp luật vũng chắc đảm bảo cho sự hoạt động bình thường, đúng đắn của bộ máy nhà nước, phát huy hiệu quả, tăng cường hiệu lực của quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước; phát huy tối đa hiệu lực quản lí của bộ máy nhà nước…

6. Nguyên tắc đảm bảo sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc

Điều 5 Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc luôn được nhà nước ta quan tâm và bảo đảm thực hiện. Nhà nước đề ra và thực hiện các chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc (các dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn và phát huy bản sắc và truyền thống của mình, được quan tâm để từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần…); Mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm và trừng trị; Trong bộ máy nhà nước thành lập các cơ quan chuyên biệt phụ trách mảng công tác này như Hội đồng dân tộc thuộc Quốc hội, Uỷ ban dân tộc và miền núi thuộc Chính phủ…
Nguyên tắc này nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; khẳng định Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ đất nước Việt Nam, khẳng định tính chất dân chủ và dân tộc của nhà nước Việt Nam…
Như vậy, Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc chung thống nhất tạo thành cơ chế chặt chẽ, đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà nhân dân giao cho. Mỗi một quốc gia có một hệ nguyên tắc riêng , cũng là một cơ sở để phân biệt bộ máy nhà nước này với bộ máy nhà nước khác, các bạn nhé.

Tác giả bài viết: Pháp luật đại cương

Nguồn tin: Glory education

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên hệ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây