1. Nguồn gốc của pháp luật
Khi nhà nước xuất hiện, pháp luật cũng bắt đầu được thiết lập và được nhà nước sử dụng như là một công cụ để quản lý xã hội, bảo vệ địa vị và quyền lợi cho giai cấp thống trị. Nói cách khác, nguồn gốc của pháp luật gắn liền với mầm mống đầu tiên của nhà nước.
Trong xã hội nguyên thuỷ, khi chưa có nhà nước, lúc bấy giờ, quan hệ giữa các thành viên trong xã hội chỉ được điều chỉnh bằng các phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo; đó là những quy tắc mang tính giản đơn. Việc thực hiện những khuôn mẫu chung ấy được thực hiện tự giác, không có sự cưỡng chế bằng bộ máy bạo lực chuyên nghiệp nào. Những hành vi vi phạm có thể bị cưỡng chế, nhưng không phải là một bộ máy chuyên nghiệp mà là sự cưỡng chế của tập thể xã hội, của cộng đồng để duy trì và bảo vệ trật tự chung trong xã hội.
Đến khi xã hội có sự phân hoá giai tầng và nhà nước xuất hiện, lúc này, các phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo không còn phù hợp cho việc bảo vệ địa vị, quyền lợi của giai cấp thống trị nữa. Giai cấp thống trị chỉ giữ lại một số quy tắc, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo phù hợp và có lợi cho giai cấp thống trị. Tuy nhiên, do sự phát triển của các loại quan hệ xã hội, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh cần được điều chỉnh, nhà nước đã thiết lập thêm nhiều quy tắc mới. Hệ thống các quy tắc mới đó được gọi là pháp luật.
Từ bước hình thành ban đầu như vậy, hệ thống pháp luật của các nhà nước dần hình thành và phát triển tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi vùng địa lý khác nhau.
Đến đây, ta có thể kết luận nguồn gốc của pháp luật xuất phát từ 2 lý do:
-Thứ nhất, khi xuất hiện nhà nước, sẽ giữ lại những tập quán vẫn còn phù hợp, còn đáp ứng được lợi ích cho giai cấp thống trị.
-Thứ hai, đối với những quan hệ xã hội phức tạp đòi hỏi phải có những quy phạm pháp luật mới cần điều chỉnh cho phù hợp.
Chính vì vậy, mới nói rằng sự hình thành hình thành pháp luật gắn liền với sự phát triển của các kiểu nhà nước.
Khái niệm pháp luật.
Từ việc phân tích nguồn gốc pháp luật nêu trên, ta có thể đưa ra khái niệm pháp luật như sau:
“Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội”
Với khái niệm này, các bạn chỉ cần nhớ 3 đặc điểm cơ bản của pháp luật như sau:
+ Thứ nhất, pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự chung. Các quy tắc này ấn định cách thức xử sự cho các chủ thể trong những trường hợp, hoàn cảnh nhất định đã được nhà nước ghi nhận.
Ví dụ như: pháp luật Việt Nam là hệ thông các quy tắc xử sự chung cho công dân và những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
+ Thứ hai, pháp luật thể hiện ý chí giai cấp thống trị trong xã hội. Xét về nguồn gốc, dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật được hình thành từ quá trình nảy sinh và đấu tranh giai cấp và do giai cấp thống trị ban hành hoặc thừa nhận. Vì vậy đương nhiên pháp luật sẽ thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trước tiên là điều dễ hiểu.
Các bạn thấy rằng, ở các nước phong kiến phương đông như Trung QUốc, hay Việt Nam; chiếu chỉ (thánh chỉ) chính là một trong những biểu hiện của luật pháp. Nó thể hiện được sức mạnh ý chí của giai cấp thống trị Phong kiến mà đại diện là nhà vua.
+ Thứ ba, pháp luật là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà thực tế là điều chỉnh hành vi của con người. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là hành vi của con người (chủ thể) tham gia vào các quan hệ xã hội, thông qua các quy tắc xử sự để hướng dẫn cho các chủ thể biết cách ứng xử trong những hoàn cảnh, tình huống xác định.
Ví dụ: Luật giao thông đường bộ ở Việt Nam quy định Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
2. Bản chất của pháp luật
Bản chất của pháp luật thể hiện qua 2 thuộc tính : Tính giai cấp và tính xã hội.
Thứ nhất, tính giai cấp:
Pháp luật chỉ xuất hiện và tồn tại trong xã hội có giai
cấp. Đồng thời pháp luật luôn thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được giai cấp
thống trị sử dụng như một trong những công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ địa vị và lợi ích của giai cấp mình. Ý chí đó thể hiện trong các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành, đồng thời nhà nước đảm bảo cho các văn bản đó được thực hiện.
Thứ hai, tính xã hội:
Bên cạnh bản chất giai cấp, pháp luật còn thể hiện tính xã hội, nó xuất phát từ vai trò xã hội của nhà nước. Nghĩa là, pháp luật ngoài mục đích bảo vệ cho địa vị và lợi ích của giai cấp thống trị, còn được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội, thiết lập trật tự, ổn định của xã hội. Đồng thời, pháp luật cũng còn phải bảo vệ những lợi ích chung của cả dân tộc, những lợi ích chung của toàn xã hội. Không có kiểu pháp luật nào chỉ thể hiện duy nhất bản chất giai cấp và ngược lại cũng không có kiểu pháp luật nào chỉ thể hiện riêng tính xã hội.
Bản chất giai cấp và tính xã hội luôn có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó với nhau thành một chỉnh thể và mang lại sự bền vững cho pháp luật.
Như vậy, pháp luật là hiện tượng vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính xã hội. Tuy nhiên, mức độ thể hiện của hai tính chất này là rất khác nhau và sẽ biến đổi bởi còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức, quan điểm và các xu thế, trào lưu chính trị ở mỗi quốc gia trong mỗi thời kỳ lịch sử nhất định.
Chẳng hạn như; đối với kiểu nhà nước phong kiến hay tư sản, pháp luật mang tính giai cấp nhiều hơn, trong khi, đối với nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa thì mang tính xã hội là phổ biến.