TRUNG TÂM GIA SƯ GLORY    -    TRUNG TÂM UY TÍN TẠI HẢI PHÒNG.    ĐỊA CHỈ: NGÕ 275 ĐÔNG KHÊ, NGÔ QUYỀN, HẢI PHÒNG

Bản chất và đặc trưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì?

Thứ sáu - 03/12/2021 10:51
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước việt nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Công cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ tiếp tục được nhân dân ta thực hiện. Cho đến ngày 30 tháng tư năm 1975, với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn bộ đất nước đã thống nhất thành một khối. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sau đây, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bản chất đặc trung Nhà  nước CHXHCN Việt Nam
Bản chất đặc trung Nhà nước CHXHCN Việt Nam

1. Bản chất nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các bạn thân mến, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mang đầy đủ những yếu tố của nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung, vừa mang những đặc trưng riêng gắn với điều kiện đất nước và con người Việt Nam. Đặc điểm này do các yếu tố cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội quyết định. Cơ sở kinh tế ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang xây dựng và phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế nhưng trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Còn cơ sở xã hội của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân Việt Nam, mà nền tảng là giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bản chất nhà nước được xác định trong Điều 2 Hiến pháp 2013 là: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Xét về mặt bản chất nhà nước, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng thể hiện tính giai cấp và tính xã hội, tuy nhiên có những điểm khác biệt nhất định:

Về tính giai cấp:

Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân (do giai cấp công nhân lãnh đạo tiến hành cách mạng thành công; thực hiện lý tưởng của giai cấp công nhân, nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…) tuy nhiên, biểu hiện của thuộc tính giai cấp rất mờ nhạt: lợi ích giai cấp hoà vào với lợi ích chung của nhân dân.

Về tính xã hội:

Nhà nước là tổ chức chung của toàn xã hội, bảo vệ lợi ích cho mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Ở Việt Nam, tính xã hội biểu hiện rõ nét qua chính sách, pháp luật
của Nhà nước đối với người nghèo, trẻ em, người già và qua các hoạt động phòng chống
dịch bệnh, thiên tai…
2. Các đặc trưng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mang đặc điểm cơ bản của 1 nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhưng do điều kiện riêng có của mình, nên nhà nước ta cũng có những đặc trưng riêng. Nó là cơ sở để phân biệt nhà nước Việt Nam với các kiểu nhà nước khác trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Vậy những đặc trưng đó là gì?
Thứ nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nói đến khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đây là kiểu mô hình nhà nước mà trong đó,  Hiến pháp và luật pháp giữ vị trí tối thượng điều tiết các hoạt động xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam là một đòi hỏi có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, có nghĩa là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền lực cho nhà nước thông qua con đường bầu cử, thông qua các cơ quan đại diện của mình.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do dân, nghĩa là nhà nước do giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và những người lao động khác tổ chức ra. Nhân dân không chỉ lập ra các cơ quan nhà nước mà còn có thể trực tiếp làm việc trong các cơ quan đó để trực tiếp tham gia và thực hiện quyền lực nhà nước.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước vì dân, nghĩa là mọi chính sách, pháp luật, hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân; Các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước phải biết lắng nghe ý kiến nhân dân, phục vụ nhân dân (“giai cấp cầm quyền” đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của giai cấp mình).
Thứ ba, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện tính xã hội rộng lớn.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ là một tổ chức chính trị của nhân dân Việt Nam mà còn là tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính xã hội thể hiện thông qua việc nhà nước quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội như: Xoá bỏ mọi sự áp bức bóc lột, bất công trong xã hội; Quan tâm chăm lo và phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, du lịch, thể dục thể thao… Luôn hướng tới mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ tư, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước dân chủ, là công cụ thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dân chủ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ, muốn đề cập vị thế của người dân trong xã hội, trong nhà nước, vị thế của tự do trong xã hội, trong nhà nước, vị thế của người chủ thể bình đẳng với chủ thể khác, vị thế của người xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Dân làm chủ, hiểu là năng lực và trách nhiệm của nhân dân trước nhà nước, trước xã hội để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thì người dân phải có năng lực, bản lĩnh, phải sống có trách nhiệm với xã hội, nhà nước, với những người khác. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang hướng tới xây dựng một nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội... làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Thứ năm, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện bản chất của nhà nước và phát huy tính toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội với tư cách là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nhà nước Việt Nam đại diện ho ý chí và nguyện vọng của tất cả 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị chia rẽ dân tộc. Đồng thời, Nhà nước có các chính sách cụ thể, thiết thực để thực hiện những nhiệm vụ trên nhằm hướng tới xây dựng nhà nước làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ sáu, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước yêu hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới.
Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Chính sách hòa bình hữu nghị ấy không những phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế chung của thời đại mà còn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc đổi mới sâu rộng và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Tóm lại, với 6 đặc trưng cơ bản như trên, đã khắc họa hình ảnh của một quốc gia vừa có những đặc trưng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa, vừa có đặc trưng riêng có của nước ta, các bạn nhé!

Tác giả bài viết: Trần Hoàng Hải

Nguồn tin: Glory education:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên hệ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây